Các thương hiệu lớn của phương Tây xuất hiện trong một báo cáo phơi bày tình trạng cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ tại các nhà máy ở Trung Quốc, tờ New Daily của Úc đưa tin.

Người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động cho các thương hiệu phương Tây
(Tranh: Yip Wong/ASPI)

Chính quyền Trung Quốc đã và đang bí mật luân chuyển hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ và người dân các dân tộc thiểu số khác từ Tân Cương đến các nhà máy trên khắp Trung Quốc. Theo báo cáo mới đây, đó là những nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn, bao gồm cả Apple, BMW, Google, Nike và Samsung.

Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Úc (ASPI) cho biết, ít nhất 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa ra khỏi Tân Cương và đang làm việc dưới điều kiện “không khác gì lao động cưỡng bức” tại các nhà máy khắp Trung Quốc.

Những công xưởng này cung cấp link kiện, phụ kiện cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong hầu hết các lĩnh vực như kỹ thuật, may mặc, và linh kiện ô tô.

Báo cáo đã chỉ ra 83 công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc “trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ việc lợi dụng những người công nhân Duy Ngô Nhĩ ngoài Tân Cương, thông qua các chương trình luân chuyển, rất có thể là lạm dụng lao động, vào năm 2019”. Một số thương hiệu liên kết với nhiều nhà máy như vậy.

Các thương hiệu được liệt kê trong bản báo cáo gồm có:

Về công nghệ: Acer, Apple, Amazon, ASUS, Cisco, Dell, Founder Group, General Electric, Google, Hisense, Hitachi, HP, HTC, Huawei, iFlyTek, Japan Display Inc, Lenovo, LG, Meizu, Microsoft, Mitsumi, Nintendo, Nokia, Oculus, Oppo, Panasonic, Samsung, Sharp, Siemens, Sony,Toshiba, Tsinghua Tongfang, Vivo, Xiaomi, ZTE

May mặc: Abercrombie & Fitch, Adidas, Calvin Klein, Carter’s, Cerruti 1881, Fila, Gap, H&M, Hart Schaffner Marx, Jack & Jones, Lacoste, L.L.Bean, Li-Ning, Nike, The North Face, Polo Ralph Lauren, Puma, Skechers, Tommy Hilfiger, Uniqlo, Victoria’s Secret, Zara, Zegna

Hàng tiêu dùng: Bosch, Electrolux, Haier

Xe hơi: BMW, BAIC Motor, Changan Automobile, GAC Group, Geely Auto, General Motors, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, MG, Mitsubishi, Roewe, SAIC Motor, SGMW, Volkswagen.

Khác: Alstom, Bombardier, BYD, Candy, CRRC, Mayor

Viện Chính sách và Chiến lược Úc đã cho các công ty một cơ hội để trả lời các cáo buộc trước khi công bố báo cáo.

Adidas, Bosch và Panasonic cho biết họ không có hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, không có hãng nào có thể chắc chắn rằng không một nhà máy nào trong chuỗi cung ứng của họ lợi dụng lao động cưỡng bức.

Thương hiệu quần áo Mỹ Abercrombie & Fitch cho tờ New Daily biết, họ đã cắt giảm các nhà cung cấp nằm trong diện nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức trước đó, độc lập với báo cáo của ASPI. Phát ngôn viên của Abercrombie & Fitch cho biết công ty đã ngừng tìm nguồn cung ứng từ một trong những nhà máy nằm trong danh sách của ASPI sau một cuộc “đánh giá thường xuyên” vào năm ngoái.

Một trong các tác giả của báo cáo ASPI, bà Vicky XiuZhong Xu, chỉ ra rằng việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành “vấn đề toàn cầu” với sự thông đồng của các thương hiệu phương Tây.

“Hoạt động của các trại giáo dục cải tạo ở Tân Cương đang được áp dụng tại các nhà máy chính dọc khắp Trung Quốc và liên quan tới các thương hiệu toàn cầu với hàng trăm triệu người dùng”, bà Vicky XiuZhong Xu nói. “Các thương hiệu toàn cầu đều có một điểm chung là một chuỗi cung ứng bị vấy bẩn bởi cưỡng bức và giám sát lao động. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng không thể bỏ quên hành vi cưỡng bức lao động và giám sát ở một trong những khu vực bị đàn áp nhất trên thế giới, nơi mà lượng lớn dân số vẫn đang bị giám sát tích cực, quản thúc tại gia hoặc giam giữ tùy tiện.”

Bà Xu cũng cảnh báo các thương hiệu có chuỗi cung ứng sử dụng lượng lao động bị cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ rằng họ “vi phạm luật chống nô lệ hiện đại”.

Bản báo cáo ASPI đã đề cập rằng, giữa năm 2017 và 2019, có ít nhất 80.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ bị chuyển ra khỏi Tân Cương và đưa đến các nhà máy thông qua chương trình thuyên chuyển lao động nằm trong chính sách của chính quyền Trung Quốc có tên gọi là “Trợ giúp Tân Cương”. Bản báo cáo này cũng nói rằng con số ước tính là “thận trọng và con số thực tế dường như cao hơn nhiều.”

Những vụ thuyên chuyển từ Tân Cương sang các nhà máy ở miền đông và miền trung Trung Quốc vẫn tiếp tục vào năm 2020, bất chấp phần lớn lãnh thổ Trung Quốc bị cách ly bởi dịch COVID-19.

Trước đó vào năm 2012, một bức thư từ tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công trong trại lao động cải tạo Mã Tam Gia đã mở đầu một phong trào quốc tế, gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuyên bố xóa bỏ và đóng cửa hệ thống trại lao động cải tạo (Xem bài: Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế). Tuy nhiên thực tế cho thấy, hành vi lợi dụng lao động là tù nhân chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn, mà vẫn tồn tại dưới những hình thức khác và tên gọi khác ở Trung Quốc.

Theo The New Daily
Minh Nhật biên dịch và tổng hợp

Xem thêm: