Khoảng 500 người thuộc cộng đồng Đài Loan tại New York, Mỹ hôm thứ Bảy (7/9) đã tổ chức tuần hành qua Manhattan trong sự kiện thường niên mang tên “Giữ Đài Loan Tự do” (Keep Taiwan Free). Cuộc tuần hành này đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở rộng quy chế thành viên đầy đủ cho Đài Loan và bày tỏ ủng hộ phong trào biểu tình tại Hồng Kông.

Cộng đồng người Đài Loan tại New York hôm 7/9 tổ chức tuần hành kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấp tư cách thành viên cho Đài Loan, đồng thời bày tỏ ủng hộ biểu tình Hồng Kông.
Cộng đồng người Đài Loan tại New York hôm 7/9 tổ chức tuần hành kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấp tư cách thành viên cho Đài Loan, đồng thời bày tỏ ủng hộ biểu tình Hồng Kông. (Ảnh qua Facebook)

Các nhà tổ chức buổi tuần hành đã quyết định thu hút sự chú ý bằng cách so sánh tình hình Đài Loan với tình huống ngoạn mục ở Hồng Kông hiện nay.

Hãng thông tấn Đài Loan CNA đưa tin:

Nhà lập pháp Yeh Yi-jin, thành viên của Đảng Dân tiến cầm quyền của Đài Loan (DPP) cũng tham gia buổi tuần hành và nói việc rút ra bài học từ Hồng Kông cho thấy rõ rằng tự do và dân chủ của Đài Loan không chỉ từ trên trời rơi xuống mà đó là kết quả của những thành tựu đạt được bằng máu và mồ hôi của nhiều người Đài Loan trong những năm qua.

Đài Loan cần tiếp tục phấn đấu bảo vệ nền dân chủ, tự do và nhân quyền của mình,” bà Yeh Yi-jin nói.

Khi những người biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông đã duy trì động lực suốt ba tháng qua, những nhà tổ chức sự kiện [tuần hành ở New York] cũng đã mời người biểu tình Hồng Kông lên phát biểu bên cạnh một Bức tường Lennon dựng tạm trên phố Astor Place [phỏng theo các bức tường biểu tượng cho dân chủ, tự do tại Hồng Kông] để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với khát vọng dân chủ và tự do của người dân Hồng Kông.

Thực ra, những cảm xúc của người Đài Loan nêu trên là không mới vì từ lâu người dân tại hòn đảo dân chủ này đã coi sự suy thoái quyền tự trị của Hồng Kông là một cảnh báo về những gì sẽ xảy ra với Đài Loan nếu họ chấp nhận “hệ thống một quốc gia, hai chế độ” trong mối quan hệ với chính quyền cộng sản Trung Quốc. Nhiều người trong buổi tuần hành tại New York hôm 7/9 đã đưa ra quan điểm này một cách rõ ràng, đồng thời họ cũng chỉ trích chế độ Bắc Kinh đàn áp Phật giáo Tây Tạng và cộng động thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương.

Những người Đài Loan tuần hành tại Manhattan đã thể hiện sự ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông bằng cách mang theo các bảng hiệu ghi 5 yêu cầu quan trọng của người biểu tình và hô vang các khẩu hiệu nổi tiếng trong các cuộc biểu tình Hồng Kông gần đây. Họ cũng tạo ra một phiên bản của “Bức tường Lennon” trên đó gián các tờ giấy nhiều màu sắc kêu gọi tự do, dân chủ vốn đang rất nổi tiếng trên khắp Hồng Kông.

Một số người có quan hệ họ hàng với người Hồng Kông và các nhóm ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông cũng tới tham gia tuần hành cùng cộng đồng người Đài Loan ở New York. Chính phủ Đài Loan thậm chí đã cử một phái đoàn sang Mỹ tham dự sự kiện này, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michael Tsai và nhà lập pháp Yeh Yi-jin.

Bất kể các bạn đến từ đâu, dù các bạn trước đây có quan tâm đến nhau hay không. Bây giờ chúng ta có cùng kẻ thù mạnh mẽ duy nhất mà tất cả chúng ta đang chiến đấu chống lại,” một người tuần hành sinh tại Hồng Kông, xưng tên Tony Sze nói.

Trung Quốc lâu nay kiên quyết phản đối việc Đài Loan có được tư cách thành viên tại Liên Hiệp Quốc và với tư cách thành viên thường trực, chế độ Bắc Kinh có quyền phủ quyết để ngăn chặn việc này. Chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn một cách có hệ thống việc Đài Loan gia nhập vào bất kỳ nhóm nào mà thành viên tham gia có tư cách quốc gia độc lập, bao gồm cả các tổ chức nhân đạo và y tế.

Trong một bài viết đăng trên Japan Times hôm thứ Sáu (6/9), Ngoại trưởng Đài Loan Jaushieh Joseph Wu cho rằng Liên Hiệp Quốc đã cố tình diễn giải sai các nghị quyết của chính tổ chức này, và đánh mất các mục tiêu cốt lõi của mình khi từ chối cấp tư cách đại diện cho Đài Loan.

Bài viết của Ngoại trưởng Joseph Wu có đoạn như sau:

Tính đến kinh nghiệm và đóng góp mạnh mẽ của Đài Loan, thật vô lý khi Đài Loan không được chia sẻ kinh nghiệm và thông tin quan trọng mà có thể được sử dụng để điều phối tốt hơn các nỗ lực quốc tế.

Cơ sở pháp lý được trích dẫn để loại trừ Đài Loan khỏi Liên Hiệp Quốc là Nghị quyết 2758 (XXVI), được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1971. Tuy nhiên, nghị quyết này không giải quyết vấn đề về đại diện của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc, nó cũng không tuyên bố rằng Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Trên thực tế, Đài Loan không phải và chưa bao giờ là một phần của PRC. Chỉ có duy nhất chính phủ được bầu dân chủ của Đài Loan mới có thể đại diện cho 23 triệu người dân của mình. Thật không may, Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục sử dụng sai và giải thích sai nghị quyết này để biện minh cho việc loại trừ sai trái và cô lập Đài Loan.

Các tổ chức quốc tế được tạo ra để đáp ứng các mục tiêu chung của tất cả các thành viên, không phải để phục vụ lợi ích của chỉ một thành viên. Điều 100 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Tổng thư ký và nhân viên sẽ không tìm kiếm hoặc nhận chỉ đạo từ bất kỳ chính phủ nào hoặc từ bất kỳ cơ quan nào khác bên ngoài Tổ chức này”.

Đáng tiếc, Liên Hiệp Quốc ngồi im bất cứ khi nào Trung Quốc tìm cách áp đặt nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ của họ lên hệ thống Liên Hiệp Quốc. Ví dụ gần đây nhất liên quan tới hàng chục Tổ chức phi chính phủ đã bị Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc từ chối Tư cách Tư vấn chỉ bởi vì trong tài liệu của các tổ chức này đề cập tới Đài Loan khác với đòi hỏi của Trung Quốc.

Nếu Liên Hiệp Quốc tiếp tục nhượng bộ [cách hành xử] cưỡng bức của Trung Quốc, bác bỏ quyền tham gia của Đài Loan, thì điều đó sẽ chỉ càng khuyến khích sự vô cảm của [chế độ] Bắc Kinh,” ông Joseph Wu cảnh báo.

Tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên trong một bài viết hôm thứ Bảy (7/9) đã lưu ý rằng Đài Loan không chỉ bị từ chối tư cách thành viên tại Liên Hiệp Quốc, mà dưới áp lực chính trị từ Bắc Kinh, hòn đảo dân chủ này còn bị từ chối tư cách quan sát viên trong các hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Những người mang hộ chiếu Đài Loan bị cấm vào các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các phóng viên Đài Loan bị từ chối cấp thẻ tác nghiệp trong các sự kiện của Liên Hiệp Quốc. Đây là những thực tế mà những người ủng hộ Đài Loan cho rằng đó là hành vi trái với Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.

Xuân Thành (Theo Breitbart News)

Xem thêm: