Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Ba (17/12) đã công khai ủng hộ tiền vệ câu lạc bộ Arsenal Mesut Ozil về việc anh này lên án Trung Quốc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ông Pompeo khẳng định Bắc Kinh có thể kiểm duyệt các trận đấu của Arsenal nhưng không thể che giấu hành vi vi phạm nhân quyền.

Embed from Getty Images

Mesut Ozil, cầu thủ bóng đá người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tuần trước đã đăng bình luận lên mạng xã hội gọi người Duy Ngô Nhĩ là “những chiến binh chống áp bức” và chỉ trích hành vi đàn áp của Trung Quốc và cả sự im lặng của cộng đồng Hồi giáo.

>> Mesut Ozil đăng tweet chỉ trích Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Phản ứng với bình luận của Ozil, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm Chủ Nhật (15/12) đã hủy tường thuật trực tiếp trận đấu giữa Arsenal và Man City tại giải Ngoại hạng Anh theo lịch dự kiến từ trước.

Phát biểu trên Twitter, Ngoại trưởng Pompeo viết: “Các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể kiểm duyệt Mesut Ozil và các trận đấu toàn mùa giải của Arsenal, nhưng sự thật sẽ thắng thế. ĐCSTQ không thể che giấu thế giới hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo của họ với người Duy Ngô Nhĩ và các tín ngưỡng tôn giáo khác.

Trái với ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ, cựu cầu thủ của Man City Yaya Toure lại cho rằng Ozil không nên công khai lên án nhân quyền tại Trung Quốc.

Yaya Toure vừa mới hoàn thành hợp đồng thi đấu 5 tháng cho câu lạc bộ hạng hai Trung Quốc Qingdao Huanghai, nói rằng: “Cầu thủ bóng đá phải ủng hộ bóng đá và chính trị gia thì làm chính trị, bởi vì bạn không thể tham gia vào những vấn đề [chính trị] kiểu này, vì nó sẽ kéo theo nhiều vấn đề và nhiều thứ. Là người Hồi giáo, nói rất phức tạp và đó là lựa chọn của anh ấy. Anh ấy đã đưa ra bình luận của mình, nhưng tôi nghĩ anh đã sai khi nói thế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (16/12) đã chính thức lên tiếng về bình luận của Ozil và khẳng định cầu thủ của Arsenal “đã hoàn toàn bị lừa dối bởi tin giả và những tuyên bố sai lầm”.

Bất chấp Trung Quốc ra sức phản biện, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền, thông qua các báo cáo đáng tin cậy, ước tính rằng chế độ Trung Quốc đang giam giữ từ 1 triệu tới 2 triệu người, phần lớn là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, trong các trại tập trung với điều kiện hà khắc tại Tân Cương. Trung Quốc trước nay vẫn phủ nhận việc họ ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và gọi các trại tập trung là các trung tâm đào tạo, dạy nghề, một phần của chiến dịch “chống khủng bố”.

Chính phủ Mỹ dù đang đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, đặc biệt nhấn mạnh vào Tân Cương và Hồng Kông.

Tổng thống Donald Trump tháng Mười Một đã ký thành luật đạo luật ủng hộ biểu tình Hồng Kông bất chấp sự phản đối giận dữ của Trung Quốc.

Đầu tháng Mười Hai này, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật Duy Ngô Nhĩ 2019, trong đó yêu cầu chính phủ Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Bắc Kinh.

Về phía câu lạc bộ Arsenal, một ngày sau bình luận của Ozil, đội bóng của nước Anh đã lên tiếng tách bạch phát ngôn của ngôi sao người Đức với quan điểm của câu lạc bộ. Tài khoản Weibo chính thức của Arsenal tuyên bố nội dung đăng trên mạng xã hội của Ozil hoàn toàn là quan điểm cá nhân của cầu thủ này.

Việc Trung Quốc kiểm duyệt phát ngôn của các nhân vật thể thao quốc tế không phải vấn đề mới. Hồi tháng Mười, CCTV và các kênh truyền hình khác của Trung Quốc cũng đã cắt sóng giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) sau khi Tổng giám đốc Daryl Morey của câu lạc bộ Houston Rockets đăng tweet ủng hộ biểu tình Hồng Kông.

Xuân Thành