Phát biểu tại thủ đô Myanmar hôm thứ Tư (15/11), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc người Hồi giáo Rohingya đang bị quân đội chính phủ đàn áp và phải trốn chạy sang Bangladesh, theo Fox News.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và lãnh đạo Aung San Suu Kyi tổ chức họp báo chung tại Naypyitaw, Myanmar hôm 15/11.

Ngoại trưởng Rex Tillerson có chuyến công du một ngày tới Myanmar sau khi báo cáo mới nhất cho thấy có “bằng chứng rõ ràng” về cuộc thảm sát người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, Myanmar. Quân đội chính phủ bị cáo buộc đã trấn áp người thiểu số Hồi giáo, khiến hơn 600.000 người Rohingya phải tìm đường di cư sang nước láng giềng Bangladesh.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại Thủ đô Naypyitaw hôm thứ Tư (15/11), ông Tillerson nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét áp đặt chế tài cá nhân nhắm vào những người chịu trách nhiệm cho các hành động bạo lực tại Rakhine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết sẽ không đưa ra “các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô rộng” đối với toàn bộ đất nước Myanmar.

Tất cả các chế tài phải dựa trên bằng chứng. Nếu chúng tôi có những thông tin xác thực mà chúng tôi cho rằng nó rất đáng tin cậy rằng một số cá nhân nhất định phải chịu trách nhiệm cho các hành động hiện tại, điều mà chúng tôi thấy là không thể chấp nhận được, thì sau đó chúng tôi sẽ áp đặt các chế tài phù hợp đối với các cá nhân này”, Fox News dẫn lời ông Tillerson.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình chuyển tiếp tới nền Dân chủ của Myanmar. “Chúng tôi muốn thấy Myanmar thành công…Tôi quả thực rất khó nghĩ khi phải xem xét chế tài ra sao để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này”, ông Tillerson nói.

Fox News cho biết trong chuyến thăm ngắn này, Ngoại trưởng Tillerson cũng đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, người đang chịu trách nhiệm về các hoạt động tại Rakhine. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về cuộc nói chuyện giữa ông Tillerson và Tướng Min Aung Hlaing không được tiết lộ.

Được biết, tại Mynamar hiện tại cho dù bà Aung San Suu Kyi là lãnh đạo thực tế của chính quyền dân sự Myanmar, nhưng lại không được kiểm soát lực lượng quân đội. Bà Suu Kyi thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 – một cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên sau 25 năm Myanmar chịu sự kiểm soát của lực lượng quân đội.

Cuộc khủng hoảng tại Rakhine trở lên trầm trọng vào tháng 8 vừa qua khi quân đội Myanmar cáo buộc phiến quân Hồi giáo Rohingya tấn công vào các đồn cảnh sát và giết chết các sĩ quan an ninh chính phủ. Từ đó, lực lượng quân đội tiến hành cuộc trấn áp đẫm máu, khiến người Hồi giáo Rohingya phải tìm đường trốn chạy sang Bangladesh để lánh nạn.

>>Myanmar: Hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya trốn chạy sang Bangladesh

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, đổ lỗi cho bà Aung San Suu Kyi đã phớt lờ tình huống nghiêm trọng tại Rakhine, không có tiếng nói đúng mực để bảo vệ người Hồi giáo Rohingya – cộng đồng thiểu số Hồi giáo hiện không có quyền công dân tại đất nước Myanmar vốn đa số người dân theo đạo Phật.

Đứng cạnh ông Tillerson trong buổi họp báo chung, bà Suu Kyi giải thích rằng thực tế bà “đã không im lặng”.

Điều mọi người [chỉ trích] là về việc tôi nói không đủ thú vị. Điều tôi nói không có nghĩa là phải thú vị, nhưng đó là điều chính xác…nó không nhằm mục đích mọi người đối kháng nhau”, bà Suu Kyi nói.

Trong khi đó, hôm thứ Ba (14/11), quân đội Myamar đã cho công bố kết quả một cuộc điều tra nội bộ về cuộc khủng hoảng tại Rakhine, theo đó, họ bác bỏ hoàn toàn cáo buộc đàn áp người Rohingya.

Quân đội Myanmar phủ nhận việc giết hại bất kỳ thường dân Rohingya nào. Họ cũng không thừa nhận việc đã đốt nhà dân làng, hãm hiếp phụ nữ hoặc cướp bóc nhà cửa.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo quốc tế dẫn nguồn từ những người tị nạn Rohingya nói rằng quân đội chính phủ đã đốt nhà của họ, tấn công và giết hại thường dân.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói với BBC rằng báo cáo của quân đội Myanmar là một nỗ lực “tẩy trắng” tội danh. Tổ chức nhân đạo này kêu gọi chính phủ Myamar cần sớm cho các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc được vào khu vực Rakhine để thu thập chứng cứ và tổ chức hoạt động cứu trợ.

Xuân Thành

Xem thêm: