Ngoại trưởng Blinken tuyên bố rằng Washington đã phát hiện dấu hiệu Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay.

bầu cử
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã nhắc lại thông điệp được Tổng thống Joe Biden đưa ra trong cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 11/2023, đó là kêu gọi Bắc Kinh không can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

“Mỹ đã phát hiện những bằng chứng về nỗ lực gây ảnh hưởng và có thể là can thiệp. Chúng tôi muốn bảo đảm điều này chấm dứt sớm nhất có thể”, Ngoại trưởng Blinken nói khi được hỏi liệu Trung Quốc có vi phạm cam kết được Chủ tịch Tập đưa ra với đề nghị của Tổng thống Biden hay không.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Washington luôn theo dõi sát mọi động thái được cho là can thiệp bầu cử do Bắc Kinh tiến hành. “Tôi muốn chắc chắn rằng họ đã tiếp nhận thông điệp này một lần nữa”, ông Blinken cho hay.

Quan chức Mỹ cũng đề cập những lo ngại của chính quyền Biden về việc Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cảnh báo Washington có thể áp đặt thêm biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp của Bắc Kinh nếu điều này không kết thúc.

Ông Blinken từ chối cung cấp thời gian biểu về những hành động tiếp theo của Mỹ, thêm rằng phía Trung Quốc phủ nhận hàng hóa nước này đang được sử dụng trong xung đột Ukraine và luôn nhấn mạnh thành công của Moscow không phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về thông tin. Trung Quốc nhiều lần khẳng định không tác động đến bầu cử Mỹ, dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, đồng thời thường xuyên chỉ trích Washington đưa ra “cáo buộc vô căn cứ” về hoạt động trao đổi thương mại và kinh tế bình thường giữa Bắc Kinh và Moscow.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của ông Blinken trong vòng một năm qua và cũng là hoạt động mới nhất trong loạt tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, sau thời gian căng thẳng.

Phan Anh

Video: Người xưa giảng “hiếu đễ”, vậy “đễ” là gì?