Tuần trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du một tuần tới nhiều nước Châu Phi, khu vực mà chế độ Bắc Kinh đang ngày càng lan rộng chính sách “ngoại giao bẫy nợ”.

Trung Quoc tai Djibouti
Lễ khánh thành căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti. (Ảnh qua Getty Images)

Theo Viện Brookings có trụ sở tại Washington, hiện tại Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi và họ cũng đang là chủ nợ lớn nhất của nhiều quốc gia ở lục địa đen. Trung Quốc nắm giữ ít nhất 14% nợ chính phủ của Châu Phi và cũng cho các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước ở khu vực này vay hơn 100 tỷ USD kề từ năm 2000.

Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Châu Phi hôm thứ Bảy tuần trước (21/7) với điểm đến đầu tiên là Senegal. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, quốc gia tây Phi này chính thức gia nhập vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Bắc Kinh khởi xướng với chủ trương đầu tư hơn 100 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng thương mại tại Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.

Ông Tập cũng đã tới thăm Rwanda. Tại quốc gia đông Phi này, Chủ tịch Trung Quốc đã ký hàng loạt các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như sản xuất và chăm sóc y tế. Ông Tập tới Nam Phi hôm thứ Tư (25/7) để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm năm nước kinh tế mới nổi – BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), trước khi tới Nam Phi, ông Tập Cận Bình đã viết một bài xã luận đăng trên báo Nam Phi, trong đó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: “Mối quan hệ song phương của hai nước chúng ta đã đang đóng vai trò là hình mẫu cho các mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi”.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Châu Phi lần này của Chủ tịch Trung Quốc là quốc đảo nhỏ bé Mauritius, ngoài khơi bờ biển đông Phi.

Trang tin Axios (Mỹ) cho rằng Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang tăng cường đưa ra các đề nghị về những dự án cơ sở hạ tầng hấp dẫn theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà các nước Châu Phi thấy cần kíp nhất và đi cùng với đó là gia tăng các đòi hỏi về ảnh hưởng địa chính trị.

Angola lấy dầu thô để gán nợ Trung Quốc

Theo Axios, quốc gia trung Phi Angola đang phải dùng tài nguyên quý giá nhất của họ – dầu mỏ để trả khoản vay nợ Trung Quốc 25 tỷ USD

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1983, Trung Quốc đã cho Angola vay 60 tỷ USD thông qua các khoản đầu tư, tín dụng và các dự án. Một trong số nợ đó là gần đây Trung Quốc cho Angola vay 600 triệu USD xây cảng biển nước sâu.

Phóng viên Yinka Adegoke của trang tin Quartz tại Châu Phi cho biết do thiếu tiền mặt, Angola phải gán nợ cho Trung Quốc bằng dầu mỏ. Điều này dẫn tới việc trả nợ của đất nước vùng trung Phi này phụ thuộc nhiều vào giá dầu và khiến nước này còn ít dầu bán cho các đối tác khác cho dù họ đang là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai Châu Phi.

Djibouti nhượng đất cho Trung Quốc làm căn cứ quân sự

Sau khi phát triển mối quan hệ với các nước Châu Phi thông qua các hoạt động chống cướp biển toàn cầu, những năm gần đây Trung Quốc đã xây dựng đủ mối quan hệ để thiết lập một căn cứ quân sự quy mô đầy đủ tại Djibouti, nơi cũng đang có sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ. Thậm chí gần đây, báo chí phương Tây cho biết căng thẳng Mỹ – Trung đã leo thang khi quân đội Mỹ cáo buộc binh lính Trung Quốc tại căn cứ quân sự của họ ở Djibouti đã bắn tia laser vào chiến đấu cơ Mỹ.

Phóng viên Erica Pandey của trang tin Axios cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Djibouti thời gian tới có thể sẽ mở rộng thêm. Axios dẫn theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu thông tin rằng cho tới cuối năm 2016, Trung Quốc là chủ nợ của 82% nợ nước ngoài của Djibouti.

Theo WSJ, các tàu biển Trung Quốc có thể sử dụng Djibouti làm bàn đạp khai thác các thị trường đông Phi có tiềm năng sinh lợi. Trung Quốc cũng đã xây một tuyến đường sắt nối từ Addis Ababa tới cảng Djibouti để chuyển hàng hóa Ethiopian.

Bất chấp thực tế ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, Ngoại trưởng Djibouti, ông Mahamoud Ali Youssouf đã bác bỏ các quan ngại và khẳng định rằng nợ Trung Quốc “cho tới nay vẫn hoàn toàn quản lý được”.

Hãy để tôi nhấn mạnh một thực tế rằng không quốc gia nào có thể phát triển đất nước mà không cần cơ sở hạ tầng mạnh. Từ góc nhìn đó, Trung Quốc là một đối tác tốt”, trang tin Axios dẫn lời ông Youssouf.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Kenya

Theo trang tin Quartz, hơn 70% nợ nước ngoài của Kenya là nợ Trung Quốc. Kenya cũng vừa mới gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và là nơi cung cấp nguồn tiền chính cho các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trang tin Quartz nhận định rằng: “Lợi ích ngày càng tăng trong các thể chế tài chính đa phương tại Châu Phi cho thấy sự nổi lên của Trung Quốc là một nguồn cho vay ưa chuộng, cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới”.

Theo dữ liệu của Trung tâm Sáng kiến Nghiên Cứu Trung Quốc – Châu Phi (CARI), Trung Quốc chiếm 25% nhập khẩu của Kenya, trong khi năm 2017, đất nước đông Phi này chỉ xuất sang Trung Quốc giá trị hàng hóa khiêm tốn khoảng 100 triệu USD.

Theo trang tin Quartz, công chúng Kenya đã dấy lên những tiếng nói bất bình về ảnh hưởng của Trung Quốc. “Mối quan tâm của người dân là việc chính phủ của Tổng thống Uhuru Kenyatta và các chính phủ tiền nhiệm đã ngây thơ trong việc đàm phán các thỏa thuận với Trung Quốc”.

Theo WSJ, Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của họ đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ dân thường bị tổn thương trong chiến tranh ở Nam Sudan. Đây cũng là vùng đất mà chế độ Bắc Kinh sở hữu các mỏ khai khoáng và dầu thô lớn.

Châu Phi có thức tỉnh về “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc?

Một số nhà ngoại giao phương Tây và các nhóm xã hội dân sự Châu Phi gần đây đã dấy lên quan ngại về việc các nước Châu Phi quá phụ thuộc vào tài chính Trung Quốc. Tại các nước như Angola, Zambia và Kenya – những nước nặng nợ Trung Quốc, báo chí, các nhà hoạt động xã hội và các chính trị gia đối lập đang kêu gọi chính phủ của họ phải công khai các khoản vay và lãi suất vay Trung Quốc, theo WSJ.

Chúng ta đang thấy các nước vay nợ Trung Quốc với số tiền chiếm tới 50%, 100%, và một số trường hợp là 200% GDP”, WJS dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Somalia, ông Donald Yamamoto nói vào đầu năm nay, lúc đó vẫn trên cương vị là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Phi.

Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) đã từng cảnh báo rằng 1/3 các nước Châu Phi không có khả năng trả nợ các khoản vay hoặc gần như không thể chi trả các khoản đó.

Chính phủ Cộng hòa Congo cho biết họ đang điều tra mức độ nợ thực sự của mình và tháng này họ đã cử các quan chức cấp cao đến Bắc Kinh để tham vấn.

Một số lãnh đạo Châu Phi vẫn nói rằng Trung Quốc là tấm gương về cách phát triển đất nước, và dòng tiền khổng lồ từ Bắc Kinh đã tạo thêm việc làm và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi.

Theo WSJ, tuần qua Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã lên tiếng hoan nghênh Trung Quốc đối xử với Châu Phi “bình đẳng” và gọi đó là “động thái mang tính cách mạng trong các vấn đề thế giới” và quý hơn tiền”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội dân sự, và người dân Châu Phi cũng đang bắt đầu thức tỉnh về ảnh hưởng có hại của Trung Quốc. Một số người dân Châu Phi đã phản kháng ảnh hưởng của chế độ Bắc Kinh. Tại Kenya, công chúng đã phản đối kịch liệt về tuyến đường sắt trị giá 3,2 tỷ USD nối thủ đô Nairobi tới thành phố cảng Mombasa. Chủ đề này gần đây đã rất nóng trên báo chí địa phương, theo WSJ.

Được khánh thành vào năm ngoái, tuyến đường sắt nêu trên đã không tạo ra được doanh thu như đã hứa, và phần lớn hàng hóa vẫn phải vận chuyển bằng xe tải. Trong khi đó, công nhân người Kenya làm việc trong hệ thống vận hành tuyến đường sắt này đã cáo buộc rằng họ bị ép phải ăn và di chuyển tách biệt với những đồng nghiệp người Trung Quốc. Công nhân Kenya cho rằng người Trung Quốc phân biệt chủng tộc và đang thực thi chủ nghĩa thực dân mới.

Chúng tôi đã đuổi người Anh đi để tự điều hành đất nước mình, chứ không phải thay thế [người Anh] bằng người Trung Quốc”, WSJ dẫn lời một công nhân đường sắt Kenya.

Báo giới quốc tế đã liên hệ với công ty Trung Quốc vận hành tuyến đường sắt Nairobi – Mombasa để yêu cầu trả lời về cáo buộc của lao động Kenya và đại diện công ty Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc đó.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: