Hai nhà kinh tế học người Anh tuần qua đã ước tính rằng việc tái thiết Bắc Hàn phù hợp với kinh tế Hàn Quốc trong trường hợp thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ tiêu tốn ít nhất 2.000 tỷ USD. Nam Hàn sẽ là nước chịu trách nhiệm chi trả phần lớn khoản tiền này.

nong thon Bac Han
Kinh tế Bắc Hàn vẫn chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp lạc hậu. (Ảnh qua thepinsta.com)

Theo hãng tin Bloomberg, hai nhà nghiên cứu Stephen Jen và Joana Freire của Công ty Eurizon SLJ Capital Ltd tại Anh Quốc đã so sánh chi phí thống nhất nước Đức với hai miền Triều Tiên cho dù có sự khác biệt về dân số và quy mô kinh tế. Họ phát hiện rằng để thống nhất nước Đức, ở thời điểm đó Tây Đức đã phải chi trả tiền đầu tư tái thiết Đông Đức khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương với khoảng 2.000 tỷ USD ngày nay.

Hai nhà kinh tế học người Anh nói trên đã kết luận rằng cũng cần phải đổ vào Bắc Hàn khoảng 2.000 tỷ USD nếu hai miền Triều Tiên tái thống nhất để tạo dựng một đất nước ổn định. Hai nhà nghiên cứu thừa nhận ông Kim Jong-un thậm chí có thể còn đòi hỏi nhiều tiền hơn. Vì rủi ro một thảm họa hạt nhân có khả năng xảy ra nếu các bên không đạt được thỏa thuận là cao, nên có thể thúc đẩy các bên như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản – những nước đang tìm cách đưa Bắc Hàn vào bàn đàm phán – sẽ đưa ra cam kết đầu tư tiền nhiều hơn để tái thiết chế độ Bình Nhưỡng.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu viết rằng: “Với sự đe doạ của kho vũ khí hạt nhân, ông Kim Jong-un đang ở vị thế yêu cầu một cam kết tài chính rất lớn từ phần còn lại của thế giới để đảm bảo phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi không tranh luận rằng Bắc Hàn nên hoặc sẽ yêu cầu một khoản trợ cấp tài chính lớn như vậy. Chúng tôi chỉ nói về độ lớn của khoản tiền đó là gì”.

Số tiền cần thiết để tái thống nhất Nam Bắc Hàn thành công hiện tại dường như đã tăng gấp đôi so với nghiên cứu do tạp chí the Economist đưa ra trong một nghiên cứu tương tự vào năm 2016. Vào thời điểm đó, tờ nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc báo cáo rằng chi phí tái thống nhất Triều Tiên ít nhất 1.000 tỷ USD. Tờ báo này lưu ý rằng ước tính đó của the Economist gần bằng 75% GDP của Nam Hàn vào thời điểm nghiên được được xuất bản.

Trong khi đó, tờ Christian Science Monitor tuần này thậm chí còn đưa ra một mức chi phí tái thống nhất lớn hơn rất nhiều: 5.000 tỷ USD gánh nặng lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Nghiên cứu của the Economist phiên bản Hàn Quốc lưu ý rằng Bắc Hàn có nhiều trữ lượng kim loại đất hiếm – một vật liệu mà các công ty công nghệ có nhu cầu cao để sản xuất các sản phẩm công nghệ. Chưa tính đất hiếm, the Economist ước tính giá trị của các khoáng sản cơ bản của Bắc Hàn như than đá, đồng… dao động từ 6 tới 10 ngàn tỷ USD. Than đá là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế Bắc Hàn. Các chế tài quốc tế gần đây áp đặt lên việc mua bán mặt hàng than của chế độ Bình Nhưỡng được cho là đã bóp nghẹt nền kinh tế của nhà nước cộng sản này.

Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc tăng số lượng lao động đủ điều kiện trong nền kinh tế Nam Bắc Hàn thống nhất. Dù vậy lợi ích đó là ít hơn nhiều so với những gì Seoul bị tổn tại do phải gánh nặng trách nhiệm hiện đại hóa Bắc Hàn. Các tập đoàn tại Hàn Quốc – trong đó có một số công ty lớn như Huyndai – đã bắt đầu chuẩn bị để hưởng lợi từ lực lượng lao động mới này. Một điều tra do tờ Chosun Ilbo đưa ra hôm 11/5/2018 cho thấy rằng 9/10 doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tới việc kinh doanh tại Bắc Hàn.

Tuy nhiên, một số khảo sát gần đây chỉ ra rằng người Nam Hàn khá hoài nghi về việc tái thống nhất đất nước và số lượng người dân phản đối tiến trình này đang tăng lên và có cảm giác sắc tộc và dân tộc khác biệt với những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ đàn áp nhà họ Kim.

Một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2017 phát hiện rằng 57% người Nam Hàn ủng hộ tái thống nhất, nhưng 71% người trẻ trong độ tuổi 20 lại phản đối sự kiện này, có thể vì họ đã phải lớn lên trong mối đe dọa liên tục về sự hủy diệt hạt nhân từ phía bên kia Khu Phi quân sự liên Triều. Trường Đại học Quốc gia Seoul trong một cuộc khảo sát hồi tháng Một vừa qua cho thấy chỉ có 4/10 người Nam Hàn nhìn nhận việc “tái thống nhất” là cần thiết.

Những quan ngại về chi phí tái thống nhất tốn kém cũng đã tăng lên từ sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang năm 2018, sự kiện mà Nam Hàn phải sử dụng ngân sách do người dân miền Nam đóng thuế để trả tiền chi phí ăn, ở đắt đỏ cho hàng trăm vận động viên, quan chức và các lực lượng đi kèm khác của đoàn miền Bắc.

Với việc người dân Nam Hàn không muốn và không thể chịu nổi gánh nặng hiện đại hóa ‘nhà tù nghèo khổ ở miền Bắc’ của họ một mình, Tổng thống Moon Jae-in, với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền Trung Quốc, dường như đang nỗ lực thuyết phục Mỹ đổ tiền ngân sách do người dân Mỹ đóng thuế vào Bắc Hàn, trong khi lại không giải quyết được vấn đề cốt lõi của miền Bác với việc chế độ ‘ký sinh’ nhà Kim vẫn tồn tại và áp đặt nền kinh tế cộng sản không khả thi ở đây.

Trong hội nghị ba bên Trung-Nhật-Hàn tại Tokyo tuần này có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ba nhà lãnh đạo đã phát đi tuyên bố yêu cầu rằng “cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, phải tham gia chủ động vào việc đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Bắc Hàn thông qua việc bảo đảm an ninh và hỗ trợ phát triển nền kinh tế miền Bắc”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định rằng Mỹ phải đề xuất tới Bắc Hàn “những món quà hấp dẫn” nếu họ muốn nhìn thấy Bình Nhưỡng tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hôm 11/5/2018, trong cuộc họp báo chung tại Washington với người đồng cấp Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ sẵn sàng đóng góp cho việc tái thiết Bắc Hàn. Tuyên bố của ông Pompeo đã không đề cập đến bất kỳ mong muốn xem xét việc xóa bỏ chế độ nhà họ Kim hoặc ép buộc chế độ này phải tôn trọng nhân quyền trong nước.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: