Một ngày sau khi nhà bất đồng chính kiến ​​người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti nhận giải thưởng Sakharov 2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại tập trung tại Tân Cương.

Nghị viện châu Âu lên án các trại tập trung Tân Cương, kêu gọi trừng phạt quan chức TQ
Trụ sở Nghị viện Liên minh châu Âu (Ảnh: Facebok)

Trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tổ chức vào ngày 19/12 vừa qua tại Strasbourg, Pháp, các nghị sĩ đã thông qua một nghị quyết bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc” và kêu gọi “chính quyền Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương ngay lập tức” và “những người đang bị giam giữ phải được trả tự do vô điều kiện.”

Nghị viện cũng lên án “hệ thống kiểm soát an ninh theo dự đoán”, việc “tiến hành giam giữ tùy tiện mà không thông qua luận tội, xét xử hay kết án” cũng như “việc tra tấn, đàn áp đức tin, và giám sát người dân toàn diện sử dụng kỹ thuật số” của Trung Quốc.

Nghị viện còn lên án việc “người Duy Ngô Nhĩ tại hải ngoại bị chính quyền Trung Quốc quấy rối để buộc họ hoặc phải lên tiếng chống lại những người Duy Ngô Nhĩ khác, buộc họ phải quay về Tân Cương, hoặc buộc họ phải im lặng về tình hình ở đó đôi khi bằng cách giam giữ các thành viên trong gia đình họ. ”

Ngoài ra, các nghị sĩ còn kêu gọi “Hội đồng châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt và đóng băng tài sản đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến cuộc đàn áp nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, nếu việc làm đó phù hợp và hiệu quả.”

Được biết cũng trong phiên họp toàn thể mà nghị quyết được thông qua, ông IIham Tohti, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ đã được trao giải Sakharov 2019. Ông là người từng đứng lên tố cáo tội ác diệt chủng văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương và bị bắt giam sau đó. Cô Jewher IIham, con gái ông, đã thay mặt cha nhận giải tại Strasbourg vào ngày 18/12.

Trung Quốc vẫn khăng khăng hết lần này đến lần khác rằng các trại tập trung ở Tân Cương chỉ là “những trung tâm giáo dục tự nguyện” và là “những trường dạy nghề” chứ không phải là những trại chuyển hóa đầy tai tiếng. Nhưng nghị viện châu Âu tiếp tục gọi các trại tập trung này là những “trại cải tạo” nơi giam cầm và tẩy não nạn nhân, thay đổi bản sắc dân tộc và “Hán hóa” họ để họ trở thành những người trung thành với chế độ.

Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ, trại lao động Tân Cương
Một trại tập trung bên ngoài thị trấn Đạt Phản Thành ở Tân Cương, vào ngày 12/7/2015 còn là vùng hoang vu, đến 22/4/2018 đã xuất hiện một khu nhà tổ hợp quy mô lớn. (Ảnh chụp màn hình Google Earth)

Các bằng chứng về tình hình tại Tân Cương liên tục được công bố trong nhiều tháng qua, bao gồm hồ sơ bị rò rỉ, lời kể của nhân chứng, ảnh và video dành cho những ai thực sự quan tâm tới tình hình thực tế đang diễn ra với người dân thiểu số tại khu vực này. Nhiều học giả tin rằng các trại cải tạo ở Tân Cương đang giam giữ gần 3 triệu người, hầu hết chỉ vì họ theo đạo Hồi và là dân tộc thiểu số. Cũng có một số thành viên của tôn giáo khác bị giam giữ tại đây.

Bình luận về sự kiện trên, ông Marco Respinti, giám đốc một tạp chí nhân quyền tại Ý chia sẻ: “Một số lời dối trá của chính quyền Trung Quốc đã bị phơi bày. Chúng tôi hy vọng các Nghị viện và các tổ chức khác sẽ làm theo, và lên án cuộc đàn áp ở Trung Quốc không chỉ đối với Hồi giáo mà còn đối với tất cả các tôn giáo khác – các nhà thờ Tin lành, các linh mục Công giáo bất đồng chính kiến, các thành viên Pháp Luân Công, những người theo Phật giáo, Đạo giáo, các thành viên của phái Kitô giáo Đông phương thiểm điện và những phong trào tâm linh bị chính quyền ‘dán mác’ tà giáo.”

Minh Nhật