Tháng 4 vừa qua tại Westminster, một kiến nghị (Early day motion) yêu cầu chính quyền “cấm công dân Anh quốc du lịch tới Trung Quốc để cấy ghép nội tạng” đã được 47 nghị sĩ ký tên ủng hộ. Kiến nghị được đề xuất trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia ý thức được tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc và ban hành các điều luật nhằm ngăn chặn nạn du lịch ghép tạng tới quốc gia này.

Nghị viện Anh: Tường trình lần 3 về thu hoạch nội tạng và triển lãm thi thể

Thu hoạch nội tạng là hành vi cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ những người còn sống. Hiện tại, chỉ có hai tổ chức bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi này trên quy mô lớn, một là nhà nước hồi giáo IS, và hai là chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, các nhà điều tra cho rằng hoạt động thu hoạch nội tạng này đã trở thành một ngành công nghiệp do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc. Nạn nhân tại Trung Quốc là các nhóm tín ngưỡng và dân tộc thiểu số bị đàn áp, bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, những người theo Cơ đốc giáo không đăng ký tại nhà thờ nhà nước, và những người tập môn khí công Pháp Luân Công.

Nỗ lực của các nghị sĩ Anh quốc xuất hiện sau khi có những kết luận đầu tiên về tội ác thu hoạch nội tạng từ “Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc” do luật sư Anh quốc Geoffrey Nice chủ trì. Theo đó, ông Geoffrey Nice tuyên bố:

“Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.”

Là một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau, ngài Geoffrey Nice cũng cho biết bên cạnh tội ác thu hoạch nội tạng, chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, thậm chí không tuân thủ cả quyền sống cơ bản nhất của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn.

Với những nỗ lực đầu tiên nhằm ngăn chặn công dân Anh quốc tiếp tay cho tội ác tại Trung Quốc, nghị sĩ Đảng Dân tộc Scotland Patricia Gibson cho biết: “Vương Quốc Anh nên làm việc với cộng đồng quốc tế để đảm bảo rằng công dân của mình không đi du lịch đến Trung Quốc với tư cách là khách du lịch ghép tạng”, “Tôi ý thức được những thách thức trong việc ngăn chặn du lịch ghép tạng, nhưng cộng đồng quốc tế cần vượt qua điều đó.”

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Alistair Carmichael nói: “Tôi đã ký kiến nghị sau khi được người dân [Anh quốc] yêu cầu chú ý tới tình trạng của những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.” Theo đó, sau khi hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương bị bắt giữ vào các trại cải tạo vào năm 2018, nhiều nhà điều tra đã lo ngại rằng họ sẽ trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng.

Nghị sĩ Alistair Carmichael cũng cho biết: “Đây là điều mà chính phủ Anh quốc có vẻ rất miễn cưỡng, không muốn thừa nhận và điều này đáng nhẽ nên là một phần trong bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào của Liên Hợp Quốc về những gì đang xảy ra ở Tân Cương.”

Các nhà điều tra cũng cho biết nhiều chính phủ thế giới đã bối rối trong việc thừa nhận tội ác thu hoạch nội tạng, vì nó sẽ dẫn tới “sự lúng túng về mặt ngoại giao khi xác nhận một chính phủ khác liên quan đến việc giết hàng loạt người vô tội”.

Vào năm 2016, Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh đã được yêu cầu cắt đứt quan hệ với ông Hoàng Khiết Phu, một thành viên danh dự của đại học này, vì ông ta là người phụ trách hệ thống cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc.

Hội đồng thành phố Glasgow vốn thiết lập quan hệ với thành phố Đại Liên, Trung Quốc, cũng gặp phải yêu cầu tương tự, sau khi các báo cáo điều tra cho thấy Đại Liên là một điểm nóng trong nạn thu hoạch nội tạng.

Hiện tại không rõ có tất cả bao nhiêu công dân Vương quốc Anh đã đến Trung Quốc theo hình thức du lịch ghép tạng, nhưng theo một báo cáo của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tạng tại Trung Quốc, thì Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh xác nhận rằng có 22 trường hợp công dân Anh đã tới Trung Quốc ghép tạng từ năm 1995 đến 2012.

Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan đều cấm công dân của họ du lịch ghép tạng sau các cáo buộc liên quan tới Trung Quốc. Mới đây nhất vào ngày 25/4/2019, cơ quan lập pháp Bỉ cũng vừa thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng. Theo đó, những công dân Bỉ tham gia vào bất cứ khâu nào trong tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức cũng có thể phải đối diện với án tù lên tới 20 năm.

Xem kiến nghị và các nghị sĩ ủng hộ tại đây.

Minh Nhật

Xem thêm: