Hôm 25/6, Liên bang Nga bắt đầu cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý kéo dài một tuần để lấy ý kiến cử tri về những thay đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống Vladimir Putin duy trì quyền lực đến năm 2036.

Embed from Getty Images

Tổng thống Putin, 67 tuổi, đã cầm quyến suốt 2 thập kỷ và sẽ phải từ nhiệm khi hết nhiệm kỳ năm 2024. Các đề xuất sửa đổi sẽ cho phép ông tiếp tục nắm quyền thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa kể từ năm 2024.

Hồi tháng Một, ông Putin công bố đề xuất cải cách Hiến Pháp. Việc bỏ phiếu đầu tiên được lên kế hoạch vào ngày 22/4, nhưng sau bị hoãn lại vì đại dịch Viêm phổi Vũ Hán. Hiện cuộc trưng cầu dân ý đang được chốt vào ngày 1/7 và phòng phiếu sẽ mở cửa một tuần trước đó và mở suốt 7 ngày để tránh quá đông người trong ngày bỏ phiếu chính.

Ngoài việc tăng nhiệm kỳ cho Putin, những thay đổi khác là về cải thiện phúc lợi xã hội, phủ nhận hôn nhân đồng tính bằng định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ, tái cơ cấu quyền lực hành pháp trong chính phủ và củng cố chức vụ tổng thống.

Việc trưng cầu dân ý là không bắt buộc, ông Putin khẳng định, do đề xuất sửa Hiến pháp của ông đã được lưỡng viện quốc hội, Tòa án Hiến pháp Nga phê chuẩn cũng như được ông Putin ký thành luật. Tuy nhiên Putin vẫn khẳng định sẽ cho người dân Nga quyền bày tỏ ý kiến, mặc dù điều đó không bắt buộc về mặt pháp lý. Động thái này bị nhiều người coi là một nỗ lực nhằm ngụy trang dân chủ cho những thay đổi gây tranh cãi.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia, ông Putin gợi ý rằng ông sẽ ra tranh cử.

“Cái chúng ta cần là tiếp tục làm việc chứ không phải tìm người kế nhiệm”, ông nói, theo CNN.

Quyết định trưng cầu ý dân đã được thông qua bởi quan chức y tế Nga, nhưng lại vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ nhân viên ủy ban bầu cử. Họ đã ký một thư ngỏ tiêu đề: “Chúng tôi không phải là đồ dùng một lần rồi vứt đi”, với hy vọng gióng chuông cảnh báo về rủi ro chết người trong đại dịch mà việc bỏ phiếu quy mô lớn sẽ gây ra cho cả cử tri lẫn người tổ chức.

Nước Nga vừa báo cáo hơn 7.000 trường hợp nhiễm virus mới được xác nhận trong một ngày và hiện là quốc gia có số người nhiễm virus cao thứ ba thế giới, với 613.000 trường hợp được xác nhận.

Điện Kremlin bác bỏ các quan ngại về an toàn, nói rằng Nga có thể làm chậm bùng phát dịch, và đảm bảo với mọi người rằng các trạm bỏ phiếu ngoài trời và những biện pháp khác sẽ được áp dụng để bảo vệ cử tri. Hội đồng Bầu cử Trung Ương tuyên bố các trạm bỏ phiếu sẽ được khử trùng thường xuyên và sẽ chỉ cho 8 người lần lượt bỏ phiếu trong 1 giờ.

Hôm 25/6, ông Putin nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là “đảm bảo cho kết quả bỏ phiếu toàn quốc là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Người dân không nên bị ép buộc và kết quả bỏ phiếu không được thổi phồng giả tạo để sau đó, không ai có thể nghi ngờ về quan điểm mà nhân dân đưa ra”.

Cùng ngày hôm đó, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã cho treo cờ cầu vồng (cờ đại diện cho cộng đồng LBGTI) để phản đối sửa đối liên quan đến hôn nhân phải là sự kết hợp nam, nữ trong Hiến pháp mới.

Trong tuyên bố chính thức, Đại sứ quán Mỹ viết: “Quyền của LGBTI là nhân quyền. Và nhân quyền là vấn đề toàn thế giới, nó đơn giản như vậy”.

Khi được hỏi về phản ứng của Điện Kremlin với động thái treo cờ của Đại sứ quán Mỹ, người phát ngôn Dmitry Peskov nói với báo giới qua điện thoại: “Chúng tôi không thể nhìn thấy ĐSQ Mỹ từ Điện Kremlin, đó là điều đầu tiên. Nhưng Bộ Ngoại giao của chúng tôi chắc chắn có thể nhìn thấy nó, tôi nghĩ rằng Bộ Ngoại giao đã chú ý đến nó. Dù thế nào, sự biểu hiện của việc truyền bá xu hướng tình dục phi truyền thống của các nhóm thiểu số trong đất nước chúng tôi là không được pháp luật chấp nhận”.

Đức Trí

Xem thêm: