YouTube và Instagram đang đối mặt với nguy cơ bị các nhà Cung cấp Dịch vụ Internet (ISP) phong tỏa truy cập. Đây là kết quả từ mâu thuẫn giữa lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và thương nhân giàu nhất nước Nga Oleg Deripaska.

Embed from Getty Images

Lãnh đạo đối lập Navalny  đã bị cấm tham gia tranh cử tổng thống Nga vào tháng Ba tới. 

BBC cho biết cơ quan kiểm duyệt Nga đã liệt một số nội dung do ông Navalny đăng lên YouTube và Instagram vào danh sách đen sau khi một tòa án ra phán quyết rằng các nội dung này vi phạm quyền cá nhân của tỷ phú Oleg Deripaska.

Tuy nhiên, ông Navalny đã từ chối gỡ bỏ các video và hình ảnh mà ông cho rằng đó là bằng chứng tố cáo tham nhũng liên quan đến ông Deripaska và Phó Thủ tướng Nga Sergei Prikhodko.

Cơ quan chức năng Nga ra hạn chót đến cuối ngày thứ Tư (14/2), ông Navalny phải gỡ bỏ các nội dung nêu trên. Nếu đến cuối ngày, ông Navalny và các công ty công nghệ Mỹ chủ quản của YouTube và Instagram không xóa bỏ nội dung hoặc phong tỏa các tài khoản địa phương tiếp cận các nội dung ‘vi phạm’, các ISP của Nga sẽ được yêu cầu chủ động đưa ra hành động.

Một nhóm đại diện cho ngành công nghiệp thông tin Nga đã chỉ ra rằng điều này có thể dẫn đến việc tất cả các truy cập địa phương vào các mạng xã hội sẽ bị hạn chế vì các ISP thiếu cơ chế kiểm duyệt các bài đăng lên.

Phát ngôn viên của Hiệp hội Thông tin Điện tử Nga nói với BBC rằng: “Các nhà cung cấp dịch vụ internet không thể phong tỏa các trang nhất định trên Instagram và YouTube”.

Ông Navalny đã chia sẽ nội dung gì?

Quỹ Chống tham nhũng của ông Navalny đã đăng tải một video lên YouTube vào thứ Năm tuần trước, trong đó có nội dung chỉ ra rằng tỷ phú Deripaska đã gặp Phó Thủ tướng Nga Sergei Prikhodko trên một du thuyền. Nội dung này được cho là có nguồn từ một tài khoản Instagram của một phụ nữ đăng tải từ năm 2016.

Ông Navalny cũng đăng hình ảnh về “cuộc gặp bí mật” nêu trên cùng một đoạn văn bản cáo buộc tham nhũng lên tài khoản Instagram của cá nhân ông.

Một ngày sau khi ông Navalny đăng thông tin cáo buộc tham nhũng, ông Deripaska đã có được trát của tòa yêu cầu phải gỡ bỏ 14 bài đăng và 7 video trên YouTube.

Vào thứ Bảy, cơ quan giám sát internet của chính phủ Nga Roskomnadzor đã phát hành thông báo yêu cầu YouTube và Instagram phải tuân thủ việc gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn ba ngày làm việc.

Google, chủ quản của nền tảng YouTube, sau đó đã viết thư cho đội ngũ của ông Navalny nói rằng họ có thể buộc phải chặn các video đang bị tòa ra lệnh gỡ bỏ.

Tuy nhiên, cho tới nay cả Google và Facebook (chủ quản của nền tảng Instagram) vẫn chưa kiểm duyệt các nội dung của ông Navalny. Hai công ty này cũng chưa có bình luận công khai về vấn đề này.

Ông Deripaska vi phạm nhân quyền?

Chưa dừng lại ở việc yêu cầu tòa án ra phán quyết phong tỏa nội dung ông Nalvany đang tải trên mạng xã hội, ông Deripaska cũng đã đe dọa sẽ khởi kiện các cá nhân, tổ chức đăng lại các thông tin của lãnh đạo đảng đối lập.

Trao đổi với tờ Washington Post tuần trước, ông Deripaska nói: “Tôi muốn cảnh báo các phương tiện truyền thông phổ biến các cáo buộc sai lệnh này”.

Tôi sẽ nghiêm cấm mọi nỗ lực nhằm tạo ra và phổ biến thông tin sai lệch bằng tất cả các biện pháp pháp lý và sẽ bảo vệ danh dự và nhân phẩm của tôi tại tòa án”, ông Deripaska nhấn mạnh.

Một nhà hoạt động tại Moscow nói với BBC rằng những tranh cãi nêu trên là một phần của nỗ lực kiểm duyệt mạng lưới rộng lớn hơn của giới chức Nga.

Bà Tanya Lokshina của Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho hay: “Trong những năm gần đây, giới chức Nga đã có những biện pháp tăng cường nhằm đưa internet hướng tới sự kiểm duyệt lớn hơn từ nhà nước”.

Chính phủ đã gửi lên nghị viện một loạt luật hạn chế mới và đang sử dụng những lý lẽ và cơ chế khác nhau để chặn các trang web và trang tin quan trọng và làm im lặng những tiếng nói phê bình trên mạng trực tuyến”, bà Lokshina thông tin.

Nhà hoạt động nhân quyền này khuyến nghị rằng: “Facebook, Google và các công ty internet lớn đang hoạt động tại Nga nên đánh giá cẩn thận các yêu cầu kiểm duyệt nội dung hoặc chia sẻ dữ liệu của người dùng và hạn chế tuân thủ luật pháp hoặc yêu các cầu cụ thể thiếu chuẩn mực, không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.

Xuân Thành

Xem thêm: