Hôm thứ Sáu (14/9), chính phủ Nam Phi đã thông báo rằng Tổng thống Cyril Ramaphosa trong chuyến công du Bắc Kinh tuần trước đã đảm bảo nhận thêm khoản vay 10 tỷ USD, đưa tổng số vốn vay kích thích kinh tế từ Trung Quốc lên 25 tỷ USD.

Embed from Getty Images

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Nam Phi ở Bắc Kinh hôm 4/9.

Tuần trước, ông Ramaphosa cùng nhiều lãnh đạo Châu Phi khác đã tới Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi. Tại diễn đàn này chế độ Bắc Kinh đã hứa sẽ đổ vào Châu Phi thêm 60 tỷ USD trong vòng ba năm tới, gần gấp đôi khoản tài chính mà Bắc Kinh hứa đầu tư vào lục địa đen năm 2015. Trong đó, 15 tỷ USD của khoản ngân sách mới này sẽ rót vào Nam Phi.

Theo tờ Mail & Guardian của Nam Phi, các quan chức nước này ban đầu đã lưỡng lự trong việc vay thêm tiền từ Trung Quốc nhưng cuối cùng đã kết luận rằng “không còn cách nào khác để họ tự thân phát triển kinh tế đất nước”.

Theo hãng tin Breitbart, bản thân Tổng thống Ramaphosa được cho là “không ấn tượng” với các kế hoạch mà các thành viên nội các chuẩn bị cho ông trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế Nam Phi. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã thuyết phục lãnh đạo Nam Phi vay tiền của họ thay vì tiếp tục vay các chủ nợ truyền thống tại Châu Âu vì chế độ Bắc Kinh lập luận rằng Nam Phi nên phát triển “độc lập” với phương Tây hơn, và vì Trung Quốc đã trở nên “rất giỏi và thành thục” trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Bà Lindiwe Sisulu, Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế của Nam Phi, người ủng hộ vay tiền Trung Quốc, đã nói với Mail & Guardian: “Nếu chúng ta muốn công nghiệp hóa với tốc độ mà chúng ta muốn, chúng ta sẽ muốn làm điều đó dựa trên sự hậu thuẫn của ai đó mà chúng ta có thể phụ thuộc và chúng ta phải công nghiệp hóa để có thể phát triển nền kinh tế của chúng ta”.

Cũng thông qua tờ Mail & Guardian, các nhà phê bình cho rằng Tổng thống Ramaphosa đang mắc sai lầm khi theo đuổi các khoản vay kích thích ngắn hạn chỉ phù hợp để xử lý suy thoái theo chu kỳ, trong khi vấn đề khó khăn của nền kinh tế Nam Phi là sâu rộng và có tính hệ thống.

Các nhà phê bình nhấn mạnh rằng tính toán sai lầm kiểu đó có thể khiến Nam Phi vỡ nợ, gặp rắc rối trong việc thỏa thuận trả nợ. Họ lo lắng Nam Phi có thể rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc và giống như nhiều quốc gia nợ nần khác sẽ phải đánh đổi bằng việc sang nhượng chủ quyền lãnh thổ.

Đảng Liên minh Dân chủ Đối lập đã cảnh báo: “Ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đã bẫy thành công công ty điện lực Zambia và không còn nghi ngờ gì nữa công ty điện lực Eskom của Nam Phi cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự nếu chấp nhận vay tiền từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc”. Đảng đối lập đã cảnh báo sẽ kiện Tổng thống Ramaphosa ra tòa nếu ông không công khai đầy đủ các khoản vay từ Trung Quốc.

Trước phản ứng của các nhà phê bình và phe đối lập, ông Ramaphosa cho biết: “Chúng tôi rất tha thiết bảo vệ tài sản [đất nước] và sẽ không trao Nam Phi cho bất cứ nước nào hay thực thể nào khác, đây là điều mà tôi có thể đảm bảo với quý vị”.

Nhà bình luận Asad Essa tại Mỹ, hôm 14/6 cảnh báo trên tờ Foreign Policy rằng Trung Quốc đang kiểm soát truyền thông khắp lục địa Châu Phi và xóa bỏ tất cả những câu chuyện mà họ không thích, ví như chính bài viết của ông Essa về đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc cũng đã bị gỡ bỏ.

Tờ The South African hôm 14/9 cũng đăng bài thảo luận về những quan ngại rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược mà chế độ này đã sử dụng ở những nơi khác tại Châu Phi, đó là không dùng các nhà cung cấp và công nhân địa phương mà chỉ sử dụng doanh nghiệp và lao động Trung Quốc trong các dự án họ đảm nhận, theo đó Bắc Kinh có thể thông qua các dự án trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để dần dần kiểm soát ngành công nghiệp Nam Phi.

Chính phủ của Tổng thống Ramaphosa đã thừa nhận vấn đề nêu trên là thực tế diễn ra ở các nước khác, nhưng vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ “mang tới Nam Phi lực lượng lao động có kỹ năng [để cạnh tranh] vì nước này cũng có người có thể làm các việc này”.

Xuân Thành

Xem thêm: