Myanmar và Trung Quốc hôm thứ Bảy (18/1) đã ký kết hàng chục thỏa thuận để tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh đang tìm cách củng cố ảnh hưởng tại Myanmar trong thời điểm Naypyitaw đang dần bị phương Tây cô lập vì vấn đề nhân quyền.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Myanmar hai ngày từ thứ Sáu (17/1). Đây là chuyến công du Myanmar đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc trong 19 năm qua.

Mặc dù không có thỏa thuận lớn nào được công bố, nhưng ông Tập và lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi cũng đã ký kết tới 33 thỏa thuận củng cố các dự án quan trọng nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường – tầm nhìn của Trung Quốc về các tuyến đường thương mại mới được gọi là “con đường tơ lụa thế kỷ 21”.

>>“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có bao nhiêu rủi ro?

Phát biểu tại lễ đón tiếp ngoại giao hôm thứ Sáu (17/1), ông Tập Cận Bình đã ca ngợi mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Myanmar đang bước vào “kỷ nguyên mới”.

Chúng ta đang vạch ra lộ trình tương lai sẽ mang lại sức sống cho các mối quan hệ song phương dựa trên sự gần gũi như anh em trong nhà để cùng nhau vượt qua khó khăn và cung cấp hỗ trợ cho nhau,” ông Tập nói.

Bà Suu Kyi gọi Trung Quốc là “nước lớn đang đóng vai trò quan trọng trong các sự vụ quốc tế và kinh tế thế giới”. Nhưng, lãnh đạo Myanmar cũng thúc giục các dự án kinh tế của Trung Quốc tại Myanmar cần tránh gây tổn hại môi trường và phải mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý đẩy nhanh việc thực hiện Hành lang Kinh tế Myanmar. Đây là một kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá hàng tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận về các tuyến đường sắt kết nối tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một cảng nước sâu tại bang Rakhine, một đặc khu kinh tế tại biên giới và một dự án thành phố mới ở thủ đô thương mại Yangon.

Tuy nhiên, ông Tập và bà San Suu Kyi không đề cập tới dự án đập thủy điện gây tranh cãi trị giá 3,6 tỷ USD tại Myanmar do Bắc Kinh hỗ trợ. Dự án này đã bị đình trên từ năm 2011.

Ngoại giới cho rằng Myanmar nhìn chung vẫn đang thận trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc khi quốc gia Đông Nam Á đang chuẩn bị cho các cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào cuối năm nay.

Chuyên gia phân tích Richard Horsey của Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Yangon chia sẻ với Reuters: “Mặc dù nhiều thỏa thuận khác nhau đã được [Myanmar và Trung Quốc] ký kết, nhưng không có thương vụ đặc biệt lớn nào.

Ấn tượng chung là Myanmar đang thận trọng về đầu tư Trung Quốc, đặc biệt trước các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay,” ông Richard Horsey nói.

>>Myanmar đánh giá lại việc xây cảng Kyaukpyu nhằm tránh bị Trung Quốc kiểm soát

Trong chuyến thăm Myanmar lần này, ông Tập Cận Bình cũng gặp các lãnh đạo từ một số đảng phái trong các khu vực đang nổi lên xung đột dân sự liên quan tới các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc thực hiện.

Ông Sai Kyaw Nyunt, lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ – một trong những chính trị gia thiểu số được mời tới gặp ông Tập, nói rằng đây chỉ là cái bắt tay.

Quốc gia chúng tôi rất nhỏ và yếu. Vì vậy họ đối xử với chúng tôi theo cách này,” ông Sai Kyaw Nyunt nói.

Trung Quốc và Myanmar có mối quan hệ lịch sử không mấy nồng ấm, nhưng hai bên đã gần gũi nhau hơn kể từ năm 2017, thời điểm Trung Quốc ra sức bảo vệ Myanmar khi nước này bị quốc tế lên án về việc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, giáp với Bangladesh.

Như Ngọc