Hôm thứ Tư (25/7), Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi tuyên bố kêu gọi Nga chấm dứt chiếm đóng Crimea của Ukraine.

Mike-Pompeo
Ngoại trưởng Mike Pompeo điều trần tại Thượng viện. (Ảnh qua US Media)

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Mỹ kêu gọi Nga phải tôn trọng các quy tắc mà nước này từ lâu đã tuyên bố tuân thủ và phải chấm dứt việc chiếm đóng Crimea”.

Văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ được công khai và là tài liệu đóng vai trò chính thức hóa lập trường từ lâu của Mỹ liên quan đến việc Nga nỗ lực xâm chiếm Bán đảo Crimea.

Sau khi tuyên bố trên được phát hành, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề này.

Thông qua hành xử của mình, Nga đã làm theo cách không xứng đáng với tầm vóc của một nước lớn và đã lựa chọn tự cô lập mình với cộng đồng quốc tế”, ông Pompeo nói với các nghị sĩ.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng các chế tài chống lại Nga vẫn sẽ duy trì cho tới khi nào Moscow trả lại Crimea cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga lập tức lên tiếng bác bỏ những bình luận của ông Pompeo. “Chúng tôi biết cái giá của những tuyên bố quan trọng như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên tài khoản Facebook cá nhân.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra 9 ngày sau khi Tổng thống Trump họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin tại Helsinki, Phần Lan. Tại cuộc họp chính thức đầu tiên với người đồng cấp Nga, ông Trump đã nói rằng mối quan hệ Mỹ – Nga đã ở vào thời điểm thấp nhất, nhưng đã được cải thiện sau thượng đỉnh.

Tại Helsinki hôm 16/7, ông Trump đã thảo luận với ông Putin về việc Nga chiếm đóng Crimea. Moscow tranh luận rằng việc họ sáp nhập bán đảo nằm ở đông Ukraine này là hợp pháp vì đã thông qua một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi.

Nga đã đổ quân chiếm đóng Crimea vào năm 2014 và cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục cho tới ngày nay. Tổng cộng đã có hơn 8.000 người thiệt mang liên quan đến xung đột Nga – Ukraine. Cuộc xung đột phức tạp này nảy sinh từ tình trạng bất ổn dân sự sau quyết định của Tổng thống Ukraine thân Nga, tiến hành hủy bỏ một cam kết đã ký với Liên minh Châu Âu để ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Moscow.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã bảo vệ mạnh mẽ lập trường của ông Trump về Nga. Các đối thủ chính trị của Tổng thống, gồm cả Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại, đã dựa vào những phát biểu của ông Trump tại Helsinki để cáo buộc tổng thống Mỹ đương nhiệm đang mềm yếu với Nga.

Trong phát biểu mở màn phiên điều trần, ông Pompeo đã phản công trực diện những lời chỉ trích bằng cách đưa ra một loạt các dẫn chứng về những việc ông Trump đã thực hiện chống lại sự bành trướng của Nga trên toàn cầu.

Ông Pompeo cho biết chính phủ Trump cho tới nay đã công bố 213 chế tài chống lại các tổ chức và cá nhân Nga, trục xuất 60 điệp viên Nga núp bóng nhân viên ngoại giao, đóng cửa lãnh sự quán Nga tại San Francisco và Seattle, dẫn dắt hoặc tham gia vào 150 màn diễn tập quân sự tại Châu Âu, chi tiêu 11 tỷ USD về sáng kiến phòng thủ Châu Âu, chuyển vũ khí phòng thủ cho Ukraine và Georgia, và chuyển 200 triệu USD vào các quỹ hợp tác an ninh với Ukraine.

Ông [Trump] đã thực hiện hàng loạt các hành động gây sốc để bảo vệ lợi ích của chúng ta. Tám năm của chính phủ trước thời Tổng thống Trump không làm được điều gì như thế”, ông Pompeo nói.

Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích Đức vì đang thực hiện một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Nga, dự án sẽ cho phép Moscow loại bỏ hợp đồng vận chuyển qua Ukraine. Tại thượng đỉnh Helsinki, ông Putin đã nói rằng Nga sẵn sàng ra hạn hợp đồng với Ukraine trong khi chờ đợi giải pháp cho những tranh cãi pháp lý.

Thông tin mà ông Pompeo trao đổi với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là những nội dung đã được công khai, nhưng các đối thủ của ông Trump phần lớn cố tình tránh sử dụng những thực tế này mà lại đưa ra các câu chuyện tiêu cực từ truyền thông cáo buộc tổng thống thông đồng với Nga. Những cáo buộc này đã là chủ đề của các cuộc điều tra suốt gần hai năm qua, nhưng chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng hay cáo trạng nào liên quan đến việc thông đồng Trump – Nga.

Biện lý đặc biệt Robert Mueller, người đang chỉ đạo cuộc điều tra về các cáo buộc thông đồng và Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, hôm 13/7 đã công bố bản cáo trạng kết tội 12 sĩ quan tình báo Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Bản cáo trạng này cáo buộc các sĩ quan tình báo Nga đã xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ, đánh cắp thư điện tử, tài liệu và công bố các thông tin này lên mạng trực tuyến nhằm mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tại Helsinki, ông Putin đã đưa ra đề nghị với ông Trump về việc cho phép đội ngũ của ông Mueller tới Nga và thẩm vấn 12 nghi phạm nêu trên, đổi lại Mỹ sẽ cho phép cơ quan thực thi pháp luật Nga thẩm vấn những quan chức Mỹ mà họ nghi ngờ có hành vi sai trái. Vài ngày sau cuộc họp, ông Trump đã lên tiếng từ chối đề xuất của ông Putin và bày tỏ hy vọng các sĩ quan tình báo Nga sẽ xuất hiện ở tòa để được xét xử.

Ông Pompeo đã nhắc lại với các nhà lập pháp rằng ông Trump chấp nhận đánh giá cho rằng Nga đã nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử 2016. Ngoại trưởng Mỹ đã nói rằng cá nhân ông đã nói với những người đồng cấp Nga tại Helsinki rằng sẽ có hậu quả nếu Moscow lại cố gắng can thiệp vào bầu cử Mỹ. Phía Nga tiếp tục bác bỏ các cáo buộc này.

Các đối thủ của ông Trump đã tấn công tổng thống đương nhiệm vì các cuộc gặp của ông với ông Putin và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, họ dẫn về hồ sơ độc tài của Putin và các hành vi vi phạm nhân quyền của ông Kim. Ông Trump đã từng nói rằng ngoại giao và hợp tác được ưu tiên hơn thù địch và xung đột. Ông Pompeo nói với các nhà lập pháp rằng mọi người Mỹ đều có lợi khi Washington không có mối quan hệ hiềm khích với Moscow.

Tuần trước, ông Trump đã nói sẽ mời ông Putin tới thăm Nhà Trắng vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, theo cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin lần hai đã được lùi sang năm 2019 để chờ cuộc điều tra Nga của ông Mueller kết thúc.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Bolton cho hay: “Tổng thống [Trump] tin rằng cuộc gặp song phương tiếp theo với Tổng thống Putin nên diễn ra sau khi cuộc săn phù thủy Nga kết thúc, vì vậy chúng tôi đã đồng ý rằng cuộc gặp đó sẽ diễn ra vào năm tới”.

Diễn biến quan hệ Mỹ – Nga còn nhiều phức tạp khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Vài ngày sau thượng đỉnh Helsinki, Nga đã công khai thử các vũ khí mới. Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố một đoạn video theo thể loại phim Hollywood mô tả một chiếc tiêm kích MiG-31 cất cánh từ một sân bay, chở theo tên lửa sóng âm Kinjal mới và một tên lửa có đầu đạn dẫn hướng được cho là có thể vượt qua các lá chắn phòng thủ tên lửa.

Mỹ và Nga hiện đang cùng sở hữu khoảng 90% vũ khí nguyên tử của thế giới. Ông Trump và ông Putin đã nói chuyện về sự cần thiết phải tránh chạy đua vũ trang và ông Putin đã từng đề cập về tính cấp bách trong việc Nga – Mỹ phải sớm cùng làm việc gia hạn hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược START.

Hùng Cường (Theo Epoch Times)

Xem thêm: