Theo AP, Hoa Kỳ đang xem xét việc kích hoạt lại Đạo luật Helms-Burton vốn đã bị đóng băng từ năm 1996, theo đó cho phép công dân Mỹ gốc Cuba khởi kiện các tổ chức và cá nhân nước ngoài về tài sản bị chính quyền Fidel Castro tịch thu kể từ khi lên cầm quyền.

Cuba - My

Quyền khởi kiện tài sản bị chính quyền Cuba tịch thu sau cuộc cách mạng năm 1959 là một trong những yêu sách lâu dài của các thế hệ người Mỹ gốc Cuba lớn tuổi.

Đạo luật Helms – Burton, với tên gọi khác là Luật Cuba Tự do và Đoàn kết Dân chủ, có hiệu lực từ năm 1996, củng cố và tiếp tục thực thi các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Cuba, đồng thời mở rộng việc áp dụng các điều khoản đối với các quốc gia, tổ chức khác có buôn bán, trao đổi với Cuba.

Trong đó, gây chú ý nhất là Đề mục III (Title III) của Đạo luật. Đề mục III cho phép công dân Hoa Kỳ truy tố các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động đầu tư, buôn bán trên tài sản của họ nhưng bị chính quyền Cuba tịch thu sau cuộc cách mạng XHCN năm 1959.

Tuy nhiên, Đạo luật cũng trao cho Tổng thống thẩm quyền đình chỉ các điều khoản kiện trong thời hạn 6 tháng nếu cần thiết cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Kể từ khi được thông qua vào năm 1996, do “tính chất nhạy cảm” vì khả năng gây chia rẽ đối với các đồng minh và lo ngại có thể tạo ra hỗn loạn trong hệ thống toà án, các đời Tổng thống Mỹ kể từ Bill Clinton đã liên tiếp ký lệnh đình chỉ Đề mục III.

Cho đến gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump vào hôm 16/1 đã chỉ ký lệnh đình chỉ Đề mục III trong vòng 45 ngày thay vì thông lệ 6 tháng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như mở ra khả năng chính phủ Mỹ có thể cho phép điều khoản có hiệu lực trở lại. Ông cho biết chính quyền đang tiến hành rà soát cẩn thận Đề mục III vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang dân chủ ở Cuba, trong đó có xem xét đến các yếu tố như việc nhân quyền và các quyền cơ bản khác bị đàn áp tàn bạo ở Cuba.

“Chúng tôi khuyến khích bất kỳ người nào làm kinh doanh ở Cuba xem xét lại liệu họ có làm ăn buôn bán trên tài sản bị tịch thu và tiếp tục [tiếp tay cho] chế độ độc tài này hay không,” ông Pompeo nói thêm.

Chính phủ Cuba đã phát động làn sóng tịch thu và quốc hữu hóa sau cuộc cách mạng năm 1959. Những dải đất rộng lớn của hòn đảo đã bị Nhà nước dưới thời Fidel Castro tịch thu từ các tập đoàn của Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ và người Cuba.

Nhiều trong số những tài sản đó, từ khách sạn lớn đến đồn điền, đường xá, cảng và sân bay hiện được sử dụng trong các liên doanh giữa chính phủ Cuba và các công ty, chủ yếu là châu Âu và châu Á.

Nếu Đạo luật được kích hoạt lại, khả năng sẽ có hàng trăm vụ kiện của công dân Mỹ tới các công ty, tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Cuba trên phần đất mà người khởi kiện cho rằng vốn là sở hữu của họ nhưng bị chính quyền tịch thu bất hợp pháp.

Pedro Freyre, một luật sư tại Miami, đại diện cho một số công ty nước ngoài lớn nhất ở Cuba, cho biết nếu Đề mục III được khởi động lại, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế kế hoạch tập trung đang đình trệ và đầy khủng hoảng của Cuba, trong bối cảnh nước này đang cần đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.

Tuy vậy, một số nhà phân tích đã cho rằng việc khởi động lại Đề mục III sẽ phản tác dụng đối với Mỹ khi có thể mang lại sự hỗn độn pháp lý, làm đồng minh tức giận, và ảnh hưởng chéo đến cả các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trong phản hồi của Cuba về tin tức này, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez đã viết trên Twitter rằng quyết định đình chỉ Đề mục III chỉ trong 45 ngày là vụ “tống tiền chính trị”“một cuộc tấn công tàn bạo đối với luật pháp quốc tế.”

Mối quan hệ Mỹ – Cuba vốn được hâm nóng dưới thời Obama đã nguội trở lại kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống. Năm 2009, ông Obama bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với du lịch, và đến cuối năm 2014, cựu Tổng thống tuyên bố thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Tuy nhiên, ông Trump vào tháng 6/2017 đã hủy bỏ một phần thỏa thuận dưới thời chính quyền Obama, tiếp tục thắt chặt hạn chế đi lại giữa hai nước.

John Bolton, người trở thành Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, vào tháng 11 năm ngoái đã gọi Cuba và các đồng minh Venezuela và Nicaragua là một “đội quân bạo chúa”.

Cùng thời điểm trên, ông Bolton tuyên bố Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Cuba, theo đó bổ sung thêm các thực thể của cơ quan tình báo và quân sự Cuba trong danh sách giới hạn giao dịch tài chính nhằm ngăn chặn các cơ quan tình báo, an ninh và quân đội Cuba có thể nhận được những lợi ích tài chính.

Theo một số nhà phân tích, việc bổ nhiệm những người có lập trường cứng rắn với Cuba vào các chức vụ hàng đầu cho thấy chính phủ của ông Trump có thể sẽ tăng cường hơn nữa lập trường của mình đối với Cuba.

Bảo Minh

Xem thêm: