Theo Bloomberg, chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc đưa vào danh sách đen thêm 5 công ty lớn của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến leo thang căng thẳng giữa 2 nước.

hikvision
Hikvision, công ty thiết bị giám sát hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Trong danh sách này có 2 công ty sản xuất thiết bị giám sát quy mô lớn nhất thế giới là Hikvision, Dahua, công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt hàng đầu Trung Quốc Megvii. Hai công ty còn lại là Meiya Pico và Iflytek, theo một nguồn tin của Bloomberg.

Theo Bloomberg, chính quyền Trump tỏ ra quan ngại về vai trò của các công ty này trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Washington cho rằng các máy quay của Hikvision và Dahua có tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể được sử dụng để theo dõi và giám sát người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương.

Nếu Washington cấm tiếp các công ty này, tình hình căng thẳng với Trung Quốc sẽ trầm trọng thêm và đặt ra câu hỏi rằng ông Trump có tiếp tục nhắm tới các tập đoàn khổng lồ khác mà Trung Quốc coi là niềm tự hào hay không. Tuần trước Washington ký lệnh cấm vận Huawei và các công ty con của tập đoàn này khiến tập đoàn điện tử viễn thông này lâm vào tình trạng khó khăn do một loạt các công ty phần cứng và phần mềm như Qualcomm, Intel, Google và ARM đã cắt đứt quan hệ với Huawei.

Tỷ giá đồng nhân dân tệ ở ngoài Trung Quốc ngay lập tức sụt giảm sau tin tức của Bloomberg. Cổ phiếu của Hikvision và Dahua cũng đổ dốc. 2 công ty camera này đã bị các nhóm nhân quyền cáo buộc trợ giúp cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.

Các nguồn tin của Bloomberg cho hay chính quyền Trump trước đây đã hoãn lại hành động về vấn đề này vì tính nhạy cảm của nó trong bối cảnh hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Hiện nay, các cuộc đàm phán này đã bị ngưng lại chưa biết khi nào sẽ tiếp tục.

Ngoài ra, còn nhiều công ty Trung Quốc khác có thể sẽ phải sớm gia nhập danh sách bị Mỹ cấm, chẳng hạn Yitu Technology, một công ty phần cứng giám sát nhỏ hơn Hikvision; SensTime và Face++ 2 công ty phần mềm xử lý hình ảnh.

“Chúng tôi hy vọng công ty sẽ được đối xử công bằng, chính trực”, thư ký ban giám đốc của Hikvision nói trong một thông báo. Công ty Dahua chưa có bình luận, SenseTime từ chối phát biểu, Megvii và Yitu không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Hikvision là một trong những hãng sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất trên thế giới với 34.000 nhân viên trong ngoài nước. Công ty hiện có các chi nhánh tại 34 thành phố của Trung Quốc và có các công ty con 100% vốn hoặc chung vốn tại Hong Kong, Ấn Độ và Mỹ. Hikvision cũng có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô trong tương lai.

Theo Reuters, sau khi tin này được lan ra, giá cổ phiếu của Hikvision trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị mất đứt 10% trong phiên giao dịch ngày 22/5.

Bắc Kinh tố cáo chính quyền của Tổng thống Trump lạm dụng sức mạnh quốc gia, tùy tiện bôi đen và áp chế các công ty Trung Quốc sau khi nghe tin Mỹ có thể sẽ sớm chế tài Hikvision.

Tại Mỹ, nhiều chính trị gia đã thúc giục ông Trump có hành động để phản đối cuộc đàn áp của Trung Quốc tại Tân Cương. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và 5 nghị sĩ khác đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross thúc giục họ nhanh chóng áp đặt cấm vận lên các công ty và quan chức Trung Quốc có liên quan đến “hành vi vi phạm nhân quyền ghê gớm” ở Tân Cương. Một đánh giá của Liên Hiệp Quốc ước tính số người Duy Ngô Nhĩ bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giam lên tới 1 triệu người.

Trong bản thảo bức thư gửi ông Trump ngày 22/5, thượng nghị sĩ Ted Cruz từ Texas lập cho rằng việc xuất khẩu công nghệ tới các công ty Trung Quốc không chỉ làm hại chính sách ngoại giao của Mỹ mà còn chống lại các giá trị của các công ty Mỹ.

“Tôi thúc giục ngài thực hiện một cuộc rà soát toàn diện xem việc xuất khẩu công nghệ của Mỹ đang bị lợi dụng như thế nào bởi các công ty thương mại Trung Quốc trong việc giám sát” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ông Cruz viết.

Trọng Đức