Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước đóng góp nhiều hơn Trung Quốc cho hoạt động đối phó với đại dịch virus Vũ Hán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mặc dù Hoa Kỳ đã đe dọa rút khỏi tổ chức quốc tế này với các cáo buộc liên quan đến quản trị kém, che giấu dịch bệnh, và “thân” Trung Quốc. 

nhân dân tệ, tỉ giá, ngoại hối
(Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Một báo cáo tiến độ của WHO cho thấy 58 quốc gia và tổ chức đã tài trợ 724 triệu USD tính đến ngày 30/6. Trung Quốc xếp thứ mười với mức đóng góp 25 triệu USD, xếp sau cả sau Kuwait, Nhật Bản; trong khi đó Mỹ đã đóng góp 34 triệu USD và xếp thứ tám, theo SCMP.

Anh Quốc là nhà tài trợ lớn nhất với mức đóng góp 108 triệu USD. Các tổ chức từ thiện và các cơ quan khác cũng đóng góp một khoản lớn. Quỹ đoàn kết chống Covid-19, vốn được thành lập để nhận tài trợ từ công ty và công chúng, xếp thứ hai với mức đóng góp gần 104 triệu USD. Ngân hàng Thế giới xếp thứ 5 trên bảng tài trợ với mức đóng góp 58 triệu USD.

Trong báo cáo, WHO bày tỏ sự biết ơn đặc biệt đối với các khoản tài trợ linh hoạt cho phép họ cung cấp trực tiếp các khoản hỗ trợ đến những nơi cần nhất. Các quỹ này đã được chuyển đến cho các văn phòng WHO tại nhiều khu vực và quốc gia để mua và phân phối các vật tư y tế thiết yếu.

Khi đại dịch tiếp tục lan rộng, WHO dự kiến họ sẽ cần thêm 1 tỷ USD nữa cho đến cuối năm nay để tiếp tục các hoạt động chống đại dịch. Số tiền này là một thách thức đáng kể do các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do virus corona gây ra.

Một thách thức khác là việc Mỹ đe dọa rút khỏi tổ chức này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tạm dừng tài trợ cho WHO vào tháng 4 trong thời gian 60 – 90 ngày để “xem xét lại” sau khi các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cáo buộc tổ chức này đã giúp Trung Quốc “che giấu” mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mới.

Đầu tháng 7, Washington đã gửi thông báo tới Liên Hiệp Quốc để có thể rút khỏi WHO vào năm tới, chính thức khởi động tiến trình rút khỏi tổ chức này.

Hoa Kỳ là nước đóng góp lớn nhất cho quỹ hoạt động thường xuyên của WHO, với mức 893 triệu USD trong hai năm 2108 và 2019, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách. Việc rời đi của Mỹ sẽ có một tác động đáng kể và không rõ liệu Trung Quốc có tài trợ để bù đắp khoản thiếu hụt này không.

Sau khi Mỹ cắt tài trợ, Trung Quốc nói sẽ cho WHO thêm 30 triệu USD

Bắc Kinh đã cam kết tài trợ 50 triệu USD cho hoạt động chống đại dịch của WHO vào tháng 4, nhưng cho đến hiện tại mới chỉ chuyển một nửa trong số này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ tài trợ 2 tỷ USD trong 2 năm để giúp các quốc gia chống virus, mặc dù ông không nói cụ thể số tiền này sẽ được phân phối như thế nào.

Khi được hỏi về khoản cam kết của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc sẽ lời giữ hứa của mình.

Tiến sĩ Huang Yanzhong, chuyên gia quản trị y tế toàn cầu của Đại học Seton Hall tại Mỹ, cho biết lời hứa tài trợ 2 tỷ USD của Trung Quốc “không hoàn toàn đáng tin”.

Ông nói mặc dù Bắc Kinh đã tăng cường tham gia vào các tổ chức quốc tế như WHO, nhưng theo truyền thống họ chỉ ưu tiên những cơ chế song phương trong việc cung cấp hỗ trợ phát triển liên quan đến y tế, và các cam kết của họ nên được đánh giá cẩn thận.

Ông Huang đã viết một bài báo về phản ứng của Trung Quốc đối với nạn dịch Ebola năm 2014, cho biết khoản đóng góp 123 triệu USD của Trung Quốc vào lúc đó được thực hiện bằng “hiện vật”, bao gồm xe cứu thương, thiết bị y tế, viện trợ thực phẩm, hai phòng thí nghiệm và các trung tâm điều trị.

Tuy nhiên, khoản đóng góp này có phần nhạt nhòa so với mức đóng góp của các quốc gia khác trong cuộc chiến chống Ebola. Hoa Kỳ đã xây dựng 12 phòng thí nghiệm, trong khi Canada xây dựng 16 phòng. Xét về tài trợ nhân đạo toàn cầu, Trung Quốc chỉ đóng góp 47 triệu USD vào năm 2014, chiếm 1,3% tổng mức đóng góp của thế giới. Ngược lại, khoản đóng góp của Hoa Kỳ ở mức gần 1,8 tỷ USD, chiếm gần phân nửa.

“Giống như trường hợp Ebola, tài trợ hiện nay của Trung Quốc bao gồm cả hiện vật như xe cứu thương và xe bán tải. Trung Quốc có thể cam kết tài trợ 100 triệu USD nhưng khoản tài trợ này có thể bao gồm mọi thứ. Do đó ngay cả khi Mỹ rút khỏi WHO, sẽ không thực tế nếu chúng ta kỳ vọng Trung Quốc sẽ thay thế chỗ trống của Mỹ để lại,” ông Huang nói.

Anh Quốc là nước đóng góp lớn thứ hai cho quỹ hoạt động thường xuyên của WHO, dường như đã tham gia gánh vác thêm một số trách trách nhiệm để tăng cường quỹ chống virus corona của tổ chức này. Mức tài trợ 108 triệu USD của Anh cao hơn 50% so với mức đóng góp của Ủy ban châu Âu.

WHO cho biết họ đang xem xét ảnh hưởng của việc Mỹ rút tài trợ, và sẽ liên lạc để kêu gọi các đối tác khác đóng góp nhằm bù đắp cho khoản thiếu hụt này.

Tuy nhiên, ông Huang cho rằng bản thân không lạc quan lắm về viễn cảnh WHO sẽ huy động đủ tài chính để đối phó với đại dịch trên toàn cầu.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: