Số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Tây Ban Nha trong tháng Sáu giảm xuống 4,6%, mức thấp nhất kể từ khi BLS thống kê số liệu này năm 1973.

lao dong My
(Ảnh minh họa của Epoch Times về công nhân Mỹ)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Tây Ban Nha dao động quanh mức trên dưới 5% và lần đầu tiên phá vỡ kỷ lục khi tháng trước con số này đạt mức 4,8%.

Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp toàn nước Mỹ trong tháng Sáu tăng lên 4%, phần lớn là vì mở rộng số liệu chủ động tìm kiếm việc làm. Sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Năm giảm xuống 3,8%, nổi lên lo lắng về thiếu hụt lao động, đã có hơn 700.000 phụ nữ gia nhập lực lượng lao động trong tháng Sáu, do đó làm hạ nhiệt thị trường lao động. Những phụ nữ này trước đây không được tính là thất nghiệp vì họ không chủ động tìm kiếm việc làm.

Nền kinh tế Mỹ trong tháng Sáu đã tạo thêm được 213.000 việc làm. BLS cũng đã chỉnh sửa tăng số lượng việc làm được tạo ra trong các tháng Tư (từ 159.000 lên 175.000) và tháng Năm (từ 223.000 lên 244.000), mở rộng số việc làm được tạo ra từ đầu năm tới nay là 2,4 triệu.

Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực điều hành đất nước với lời hứa chỉnh sửa nền kinh tế và những kết quả gần đây đã thúc đẩy nghị trình của ông cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11.

Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi trong tháng Sáu vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 6,5% sau khi đã nhiều lần phá kỷ lục trong năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Á tăng lên 3,2% so với mức thấp kỷ lục 2,1% trong tháng Năm. Người Mỹ Trắng vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp ổn định 3,5%.

Số người Mỹ gốc Tây Ban Nha thất nghiệp đạt mức thấp lịch sử trong tháng Sáu là đáng chú ý hơn với hơn 160.000 người Mỹ La-tinh tham gia lực lượng lao động trong tháng này. Số liệu người thất nghiệp không bao gồm những người không làm việc không tham gia thị trường lao động hoặc những người không tìm kiếm công việc trong vòng 4 tuần gần nhất.

Theo BLS, hiện tại toàn nước Mỹ có khoảng hơn 94 triệu người trên 16 tuổi không làm việc hoặc không tìm việc, phần lớn là vì họ đang đi học, ốm bệnh, nghỉ hưu hoặc làm việc tự do tại nhà. Tuy nhiên, trong số này cũng có khoảng 5,6 triệu người mong muốn có việc.

Nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ đã phải đối mặt với thực trạng thị trường lao động bị thu hẹp vì nhiều người Mỹ, đặc biệt là đàn ông, từ bỏ ý định tìm kiếm việc làm.

Trong những năm 1950, khoảng 97% đàn ông Mỹ ở độ tuổi từ 25 tới 54 tham gia thị trường lao động, có nghĩa rằng họ đã làm việc hoặc đang chủ động tìm kiếm việc làm. Cho tới năm 2013, tỷ lệ đó giảm xuống khoảng 88%, duy trì quanh mức này cho tới cuối năm 2015. Sau đó, tỷ lệ này đã tăng chút ít, nhưng chỉ vài tháng trước mới đạt được mức kỷ lục 89%.

Các chuyên gia đánh giá nếu giới chức Mỹ khai thác được tiềm năng tìm việc mới của những người đã từ bỏ tìm kiếm việc làm, thì thị trường lao động Mỹ vẫn có dư địa phát triển thêm. Việc mang mọi người trở lại thị trường lao động cũng là một trong những lời hứa chiến dịch của ông Trump khi ông chính thức thông báo tranh cử tổng thống Mỹ vào 16/6/2015.

Trong bài phát biểu thông báo tranh cử tại Tòa tháp Trump, ở New York, ông Trump nói: “Chúng ta có người không làm việc. Chúng ta có người không có động lực làm việc. Nhưng họ sẽ có động lực làm việc, vì chương trình xã hội tuyệt vời nhất là việc làm”.

Yên Sơn

Xem thêm: