Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4/12 đã tuyên bố rằng Mỹ cho Nga 60 ngày cuối cùng để tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), nếu không Mỹ sẽ chính thức rút lui khỏi thỏa thuận từ năm 1987 này.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi họp báo ở Brussels hôm 4/12.

Phát biểu tại một buổi họp báo trong Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng nếu Nga không có hành động và phá hủy tên lửa và bệ phóng SSC-8 mà Mỹ coi là vi phạm hiệp ước INF, Washington sẽ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quan trọng này.

Trao đổi với báo giới, ông Pompeo cho hay: “Các nước chúng ta có một lựa chọn. Chúng ta hoặc là vùi đầu trong cát hoặc chúng ta thực hiện hành động thông thường để đáp lại việc Nga coi thường các điều khoản rõ ràng của Hiệp ước INF”.

Bằng việc ký kết INF từ năm 1987, Mỹ và Liên Xô (sau này Nga là chủ thể thừa kế hiệp ước) đã đồng ý cấm sử dụng, thử và sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước này từ những năm 2000 bằng việc thử nghiệm hệ thống tên lửa SSC-8.

Vào ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi INF, nhưng cho tới nay Washington chưa đưa ra thông báo rút lui chính thức. Việc rút lui sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng sau khi bên rút lui đưa ra thông báo chính thức.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định trước nay họ vẫn tuân thủ hiệp ước INF. Mỹ ít nhất 30 lần kể từ năm 2013 đã thông báo Nga vi phạm hiệp ước này.

“Phản hồi của Nga luôn là: phủ nhận bất kỳ sai phạm nào, yêu cầu thêm thông tin và đưa ra cáo buộc ngược vô căn cứ”, ông Pompeo nói.

Từ năm 2013 tới trước năm 2017, Nga luôn từ chối thừa nhận việc họ sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung. Cho tới năm 2017, sau khi Mỹ công khai tên của hệ thống tên lửa này, Nga đã xác nhận sự tồn tại của nó nhưng nói thêm rằng hệ thống tên lửa này tuân thủ hiệp ước INF.

Các quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ coi việc Nga không tuân thủ hiệp ước INF là một phần trong chiến dịch hành động gây hại rộng lớn hơn của Moscow trên toàn cầu, bao gồm các hoạt động gây ảnh hưởng tại Georgia, Ukraine và Syria.

Ngoài việc Nga không tuân thủ INF, hiệp ước này còn có một bất cập khác mà Mỹ muốn thay đổi là hiệp ước chỉ ràng buộc Nga và Mỹ, trong khi bỏ qua các nước khác như Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn.

Đặc biệt, Trung Quốc đã phát triển kho vũ khí tên lửa tầm ngắn và tầm trung đáng kể, trong khi Mỹ không thể triển khai loại vũ khí này khi có hiệp ước INF. Theo đánh giá của Mỹ, hiện nay 1/3 tới 1/2 kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vi phạm INF nếu Bắc Kinh là một bên trong hiệp ước. Các quan chức Mỹ từng ba lần nỗ lực đưa Trung Quốc tham gia hiệp ước, nhưng đều không thành công.

Mới đây nhất, hôm 3/12, Tổng thống Trump cũng đã đăng tweet dấy lên ý tưởng rằng Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể cùng nhau thảo luận chung để cắt giảm các khoản đầu tư vũ khí.

“Tôi chắc rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi, cùng với Tổng thống Vladimir Putin của Nga sẽ bắt đầu thảo luận về việc tạm dừng đáng kể những thứ đã trở thành Cuộc đua Vũ trang lớn và không thể kiểm soát”, ông Trump tweet hôm 3/12.

Cho dù không trực tiếp đề cập tới INF, nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Trump đang ám chỉ tới việc đưa Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của INF để hạn chế việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh vũ trang tên lửa hạt nhân tầm ngắn và trung.

Tại Brussels hôm 4/12, Ngoại trưởng Pompeo cũng lưu ý rằng quyết định trao cho Nga thời hạn 60 ngày để tuân thủ INF nếu không Mỹ sẽ rút lui được thúc đẩy một phần bởi nghị trình của Tổng thống Trump không ủng hộ các thỏa thuận quốc tế mà “gây tổn hại cho an ninh, lợi ích hoặc giá trị của chúng ta”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói thêm rằng hành động này sẽ cho thế giới thấy rằng Mỹ đang tuân thủ luật pháp và sẽ đảm bảo các thành viên hiệp ước phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm của họ.

“Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ bị các nước khác lừa gạt, đặt người Mỹ vào nguy cơ lớn hơn và phung phí uy tín của chúng ta”, ông Pompeo nói.

Theo Epoch Times, sau khi ông Pompeo báo cáo về việc Nga vi phạm INF, các Bộ trưởng Ngoại giao NATO đã đồng ý thông qua tuyên bố chính thức của khối về việc Nga “vi phạm cụ thể” hiệp ước INF và ủng hộ quan điểm của Mỹ.

Các đồng minh của Mỹ đã vận động ông Pompeo đưa ra thời hạn 60 ngày cho Nga và hy vọng rằng trong thời gian này các bên sẽ giải quyết được vấn đề bằng biện pháp ngoại giao. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo giới rằng các nước Châu Âu sẽ tham gia vào nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để khiến Nga tuân thủ hiệp ước INF.

“Nga có cơ hội cuối cùng để thể hiện một cách có thể kiểm chứng rằng họ tuân thủ hiệp ước… nhưng chúng ta cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho thực tế rằng hiệp ước này có thể bị phá vỡ”, ông Stoltenberg nói.

Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng Nga đã triển khai các tiểu đoàn tên lửa SSC-8 đặc biệt đe dọa NATO và các tài sản của khối này ở Châu Âu.

“Tầm bắn của [SSC-8] khiến nó là mối đe dọa trực tiếp đến Châu Âu”, ông Pompeo nói và khẳng định thêm rằng chỉ Nga mới có thể cứu được hiệp ước INF không bị xóa bỏ.

Xuân Thành

Xem thêm: