Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Hai (4/12) đã ra phán quyết cho phép chính quyền Trump thực thi đầy đủ lệnh cấm di trú vào Mỹ đối với công dân của 6 nước có đa số dân Hồi giáo.

Embed from Getty Images

Cộng đồng Hồi giáo tại bang California biểu tình phản đối lệnh cấm di trú của ông Trump hồi giữa tháng 10/2017.

BBC cho hay quyết định này của Tòa án Tối cao cho phép chính quyền Trump thực thi đầy đủ phiên bản thứ ba của lệnh cấm di trú được Tổng thống Trump ký ban hành từ cuối tháng 9.

>> Sắc lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực

6 nước có đa số dân Hồi giáo chịu chế tài của lệnh cấm di trú gồm: Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen.

Tuy nhiên, quyết định của Tòa án Tối cao hôm thứ Hai chưa phải là phán quyết cuối cùng về các tranh cãi pháp lý giữa chính phủ và các tòa án cấp bang liên quan đến lệnh cấm di trú của chính quyền Trump.

Lệnh cấm di trú vẫn sẽ gặp các thách thức pháp lý từ các tòa án bang cho tới khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết cuối cùng.

Trong quyết định của Tòa án Tối cao hôm thứ Hai, đa số 7/9 thẩm phán đồng ý bãi bỏ các lệnh cấm thực thi sắc lệnh di trú của tòa án cấp dưới. Chỉ có hai thẩm phán Ruth Bader Ginsburg và Sonia Sotomayo tiếp tục cho phép phong tỏa sắc lệnh của Trump.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hogan Gidley đã nói rằng chính phủ Trump “không ngạc nhiên với quyết định hôm nay của Tòa án Tối cao về việc cho phép thực thi ngay lập tức giới hạn di trú vào Mỹ với công dân từ các quốc gia có rủi ro cao về khủng bố”.

Fox News nhận định rằng việc thực thi lệnh cấm di trú này sẽ không gây ra tình trạng hỗn loạn tại các cảng hàng không ở Mỹ như hồi lệnh cấm di trú được ban hành lần đầu vào tháng 1.

Tuy nhiên, những người phản đối lệnh cấm lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao.

Ông Karen Tumlin, giám đốc pháp lý của Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia đã viết trên Twitter rằng  quyết định hôm thứ Hai của Tòa án Tối cao là “tin tức thảm họa”. “Cuộc chiến vẫn tiếp tục”, ông Tumlin khẳng định.

Luật cấm di trú của ông Trump bị cản trở ra sao?

Vào tháng 1, Tổng thống Trump ký lệnh hành pháp cấm người dân từ 7 nước có đa số Hồi giáo di trú vào Mỹ trong 90 ngày và đình chỉ tất cả các đơn xin tị nạn. Sắc lệnh này cũng cấm người Syria xin tị nạn vào Mỹ vô thời hạn. Lập tức, sắc lệnh của Tổng thống gặp phải sự phản đối mạnh mẽ với nhiều cuộc biểu tình và nhiều thách thức pháp lý từ tòa án.

Vào tháng 3, chính quyền Trump đã công bố sắc lệnh sửa đổi lệnh cấm di trú. Theo đó, loại bỏ Iraq ra khỏi danh sách các nước bị cấm và cũng dỡ bỏ lệnh cấm vô thời hạn với người tị nạn Syria. Sắc lệnh sửa đổi cũng miễn trừ áp dụng với chủ sỡ hữu thẻ xanh và các công dân song tịch.

Vào tháng 6, Tòa án Tối cao đã cho phép thực thi phần lớn nội dung trong sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump, trong đó có lệnh cấm 120 ngày đối với tất cả người tịn nạn vào Mỹ, nhưng vẫn cho phép miễn trừ với những người có quan hệ “họ hàng thân thuộc” với các công dân đã có quốc tịch Mỹ.

Tháng 9, Tổng thống Trump thông báo phiên bản thứ ba của lệnh cấm di trú. Sắc lệnh này bổ sung các quốc gia không phải Hồi giáo như Bắc Hàn và Venezuela vào danh sách các nước bị cấm di trú.

Xuân Thành

Xem thêm: