Mỹ đang tìm cách điều hướng doanh thu từ dầu mỏ Venezuela chảy về chính phủ của lãnh đạo đối lập, tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ chặn dòng tiền đổ về chính quyền Maduro đang ngày càng bị cô lập, Reuters dẫn tin từ một quan chức cấp cao Mỹ.

Embed from Getty Images

Thông báo nêu trên của Mỹ, nếu được xác thực, rõ ràng là dấu hiệu cho thấy Washington đang sẵn sàng vượt qua các biện pháp ngoại giao truyền thống và sẽ tìm cách chặn dòng tiền đổ về chính quyền Maduro vốn đã phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Nếu Mỹ triển khai hành động như vậy sẽ giúp tăng sức mạnh đáng kể cho ông Juan Guaido – lãnh đạo đối lập vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời Venezuela hôm 23/1 và nhận được sự ủng hộ của Mỹ và nhiều nước khu vực.

Trao đổi với báo giới tại Tòa Bạch Ốc hôm 24/1, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho hay: “Điều mà chúng tôi sẽ tập trung hôm nay là cắt đứt kết nối của chế đội Maduro bất hợp pháp với các nguồn doanh thu của ông ta.”

“Chúng tôi cho rằng phù hợp với việc chúng ta công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela, thì những khoản doanh thu đó nên chuyển về chính phủ hợp pháp,” Reuters dẫn lời ông John Bolton.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói thêm rằng tiến trình này “rất phức tạp” và các quan chức Mỹ vẫn đang nghiên cứu cách thức thực hiện.

Reuters cho biết họ đã liên lạc với cả Bộ thông tin của chính quyền Maduro và ông Juan Guaido để yêu cầu phản hồi về động thái mới của Mỹ, nhưng đều không nhận được phản hồi.

Về phía chính quyền Maduro, tổng thống của Đảng Xã hội chủ nghĩa đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, yêu cầu Washington trong vòng 72 giờ phải rút hết nhân viên ngoại giao về nước. Ông Maduro cũng đã ra lệnh tất cả nhân viên ngoại giao Venezuela rút khỏi Mỹ, đóng cửa Đại sứ quán và các lãnh sự quán của Venezuela tại Mỹ.

Mỹ tuyên bố không công nhận chế độ Maduro và cho rằng tổng thống Đảng xã hội chủ nghĩa không có thẩm quyền cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Ngoài Mỹ, Canada, cùng các nước Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Paraguay và Argentina cũng đã lên tiếng phản đối chế độ Maduro, công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela.

Liên minh Châu Âu hiện đang áp đặt chế tài lên chính quyền Maduro và lưu ý rằng người dân Venezuela “đã kêu gọi rộng rãi vì nền dân chủ và có khả năng tự do quyết định vận mệnh của chính họ”, nhưng khối này chưa công nhận ông Juan Guaido.

Trong bài phát biểu dài trước những người ủng hộ tại Caracas hôm 23/1, ông Maduro bác bỏ việc ông Guaido tuyên thệ nhậm chức tổng thống và nói rằng ông vẫn là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

Phát biểu trước Tòa án Tối cao – thân chính phủ, ông Maduro đặt ra những câu hỏi mỉa mai ông Juan Guaido: “Ông có thể bổ nhiệm các bộ trưởng? Các bộ trưởng không khí? Các bộ trưởng ma? Ông sẽ chỉ định các chỉ huy của các đơn vị quân đội? Quân đội sẽ tuân theo mệnh lệnh của ông? Không bao giờ.”

Ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội. Ngoại giới cho rằng nhờ sự hậu thuẫn từ các tướng lĩnh quân đội mà ông Maduro vẫn giữ được quyền lực dù đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trầm trọng kéo dài.

Lãnh đạo của Đảng xã hội chủ nghĩa cũng có sự ủng hộ của các chính phủ đồng minh từ Nga, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và các chính phủ cánh tả như Mexico và Bolivia.

Hàng ngàn người dân Venezuela trên toàn quốc hôm 23/1 đã xuống đường tuần hành phản đối chính quyền Maduro. Theo các nhóm nhân quyền độc lập, tổng cộng đã có 14 người chết trong các vụ đụng độ liên quan tới biểu tình trên khắp Venezuela trong tuần này.

Tân Bình