Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Năm (6/6) đã thông báo thắt chặt thêm áp lực lên công ty dầu mỏ quốc doanh Venezuela (PDVSA) bằng việc khẳng định rõ ràng rằng các nhà cung cấp quốc tế xuất khẩu chất pha loãng dầu cho Venezuela có thể cũng buộc phải chịu chế tài của Mỹ.

Embed from Getty Images

Thay đổi này được Bộ Tài chính Mỹ thông báo trên trang web chính thức của Bộ và đây là biện pháp mới nhất mà chính quyền Trump thực hiện nhằm giới hạn PDVSA tiếp cận doanh thu dầu mỏ, qua đó gia tăng áp lực lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

PDVSA từ lâu đã phụ thuộc vào việc nhập khẩu chất pha loãng từ Mỹ để bổ sung vào dầu cực nặng của nước này, biến chúng thành sản phẩm dầu thô có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã cấm giao dịch này từ hồi tháng Một, buộc PDVSA phải chuyển hướng tìm các nguồn cung từ các nhà cung cấp quốc tế khác.

Reuters, dẫn lời một quan chức cao cấp chính quyền Mỹ giấu tên, cho hay: “Chúng tôi đang thắt chặt vòng lặp của bất kỳ hoạt động đi đường vòng nào đối với các chế tài đang áp dụng, cho phép chế độ Maduro vẫn tìm được các cách khai thác dòng tiền từ PDVSA.”

“Thay đổi trong việc diễn giải chế tài nêu trên đặt các công ty quốc tế về lưu ý rằng bất kỳ sự hợp tác hoặc giao dịch tiếp diễn mà họ thực hiện với PDVSA liên quan tới bán chất pha loãng dầu sẽ gặp rủi ro hoặc buộc phải chịu chế tài tiềm năng trong tương lai,” vị quan chức giấu tên nói.

Vị quan chức này từ chối nêu tên công ty nước ngoài nào đang tiếp tục cung cấp chất pha loãng dầu cho Venezuela, chỉ nói rằng đó là “những tập đoàn toàn cầu lớn.”

Theo Reuters, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Venezuela đã giảm 17% trong tháng Năm do chịu thế tài của Mỹ.

Vị quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với Reuters rằng chính quyền Trump có kế hoạch thực thi thêm nhiều hành động kinh tế hơn nữa trong vài tuần tới để bóp nghẹt nguồn tiền đổ vào chế độ Maduro.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng tại Venezuela vẫn chưa có tiến triển khả quan. Cuộc đàm phán hòa giải gần nhất giữa đại diện chính quyền Maduro và phe đối lập của ông Guaido tại NaUy hồi cuối tháng Năm đã thất bại.

Văn phòng của ông Guaido hôm 29/5 cho biết vòng đàm phán thứ hai tại NaUy giữa các đại diện của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo đối lập, tổng thống lâm thời Juan Guaido nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng tại quốc gia Nam Mỹ này đã kết thúc “không với bất kỳ thỏa thuận nào”.

Trong cuộc gặp tại NaUy, các dại diện của ông Guaido nói rằng họ đã đưa ra một lộ trình cho việc chấm dứt quyền lực tổng thống của ông Maduro, thành lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do, điều đó sẽ “giải quyết được bi kịch mà Venezuela đang gánh chịu”.

Trao đổi với Fox Business Network, ông Guaido nói rằng sẽ tiếp tục biểu tình trên phố.

Ông Guaido được hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, các nước Châu Âu và hầu hết các quốc gia Nam Mỹ công nhận là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Trong khi ông Maduro nhận được sự hậu thuẫn của quân đội, tòa án và các chính phủ liên minh từ Nga, Cuba và Trung Quốc.

Phát biểu mới đây với truyền thông Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò xây dựng tại Venezuela và giúp quốc gia Nam Mỹ này quay trở lại con đường phát triển bình thường càng sớm càng tốt.

Ông Tập nói với hãng tin TASS và báo Rossiyskaya Gazeta rằng Trung Quốc “phản đối sự can thiệp của nước ngoài, các biện pháp trừng phạt đơn phương, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với Venezuela”.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề Venezuela,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập trước khi ông đến Nga hôm 5/6.

“Trung Quốc cũng sẵn sàng giúp Venezuela trở lại con đường phát triển bình thường càng sớm càng tốt,” ông Tập nói.

Trong khi đó, theo Reuters, hôm 3/6, Tổng thống Trump tiết lộ Nga đã cho rút gần hết nhân sự của mình ở Venezuela về nước, một động thái được cho là để chiều lòng Mỹ.

Như Ngọc