Mối quan hệ quân sự giữa Myanmar với Bắc Triều Tiên vẫn được duy trì từ khi quốc gia Đông Nam Á do lực lượng quân đội kiểm soát. Hiện tại, chính quyền dân sự Naypyidaw phủ nhận bất kỳ sự hợp tác nào, nhưng Hoa Kỳ gần đây vẫn lên tiếng thúc ép Myanmar phải kết thúc hoàn toàn các liên kết với chế độ Kim Jong-un.

Reuters, dẫn nguồn từ các quan chức Hoa Kỳ giấu tên, cho biết Washington đã đề cập tới vấn đề nêu trên với lãnh đạo thực tế của Myanmar, người được giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing trong chuyến thăm tới Naypyidaw tuần này của ông Joseph Yun – Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Bắc Hàn.

Ông Joseph Yun đã gặp bà Aung San Suu Kyi  tại Myanmar vào hôm thứ Hai (17/7)

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chuyến thăm của ông Joseph Yun đã nhấn mạnh những quan ngại tiếp tục đối với các liên kết của Bắc Triều Tiên với chế độ quân quản của Mynamar kéo dài hàng thập kỷ.

Trong cuộc thảo luận của ông Yun với thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar, ông Kyaw Zeya vào hôm thứ Hai (17/7), phía Myanmar đã khẳng định rằng Naypyidaw không còn có quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng và đã tuân theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc về các liên kết như vậy.

Ông Kyaw Zeya trao đổi với phóng viên rằng: “Đó là mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai quốc gia. Như tôi đã nói, không có quan hệ giữa quân đội với quân đội. Chắc chắn không có”.

Vị quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng: “Chuyến thăm đó là cơ hội để Hoa Kỳ gửi tới Myanmar thông điệp rằng bất kỳ sự liên kết nào với Bắc Hàn, đặc biệt là hợp tác quân sự, đều đi ngược lại với nỗ lực kết thúc mối đe dọa mà Bình Nhưỡng đặt ra với khu vực và toàn cầu”.

Quan chức cấp cao Hoa Kỳ từ chối cung cấp thêm cho Reuters chi tiết về các hạng mục quân sự mà Bắc Hàn và Myanmar hợp tác.

Đại sứ Myanmar tại Washington cũng chưa có phản ứng gì khi được yêu cầu bình luận về các thông tin mới nhất liên quan đến quan hệ giữa Naypyidaw và Bình Nhưỡng.

Reuters cho hay Hoa Kỳ trong năm nay đã nâng cấp lệnh trừng phạt đối với các thực thể chịu trách nhiệm mua sắm quân trang cho Myanmar nhằm mục đích “phản ánh mối quan tâm lâu dài” của Washington về các thương vụ quân sự liên quan tới Bình Nhưỡng.

Vào tháng Ba vừa qua, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng của Myanmar (DDI) đã chịu biện pháp trừng phạt theo Đạo luật không phổ biến vũ khí đang áp dụng với Iran, Bắc Triều Tiên và Syria

Trước đây, vào năm 2012, DDI cũng đã phải nhận trừng phạt do bị cáo buộc hỗ trợ Bắc Hàn, nhưng sau đó vào tháng 10 cùng năm đã được loại khỏi danh sách trừng phạt khi chính quyền Obama quyết định giảm hầu hết các biện pháp chống lại Myanmar để thừa nhận sự chuyển đổi chính trị thành công ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện tại, chính quyền Myanmar nhấn mạnh rằng các thỏa thuận vũ khí và các mối quan hệ quân sự khác với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt từ trước khi Myanmar chuyển tiếp sang chính phủ dân sự vào năm 2011.

Tuy nhiên, hai cựu quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng quân đội Myanmar trong quá khứ đã nhập khẩu khá nhiều vũ khí của Bắc Triều Tiên và các chuyên gia quân sự của chế độ nhà Kim cũng sang làm việc tại Myanmar. Họ cũng cho rằng nếu hiện tại hai nước này vẫn còn hợp tác về quân sự thì đó chỉ là phần còn sót lại của những hợp đồng đã ký kết từ trước và cũng không có dấu hiệu cho thấy “có yếu tố hạt nhân trong mối quan hệ này”.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã không loại trừ khả năng Washington sẽ áp đặt thêm các biện pháp liên quan đến Bắc Triều Tiên ở Myanmar, vị này nói rằng: “Nếu tình hình trở nên quá đặc biệt và nghiêm trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, có rất nhiều công cụ để lựa chọn, bao gồm cả các lệnh trừng phạt“.

Tuy nhiên, hiện tại, Washington vẫn muốn dựa chủ yếu vào công tác ngoại giao với Myanmar – nước giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược mà Washington không muốn họ rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo Reuters nhận định, để Wahington và Naypyidaw bình thường hóa quan hệ hoàn toàn, chính quyền Myanmar cần phải chứng minh họ đã chấm dứt toàn bộ việc hợp tác quân sự với Bắc Triều Tiên.

Yên Sơn

Xem thêm: