Mỹ mong muốn khởi động lại các cuộc đàm phán về thương mại với Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau ở Nhật Bản vào thứ Bảy này (29/6), nhưng Washington sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào đòi Mỹ thay đổi cách sử dụng thuế quan, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói với Reuters.

Embed from Getty Images

Nếu cuộc gặp với ông Tập không đạt được tiến triển gì nhằm giải quyết yêu cầu Trung Quốc làm ăn công bằng hơn, ông Trump sẽ xúc tiến việc đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại, đặt hai bên vào một cuộc chiến thương mại hoàn toàn.

Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo có thể cam kết không áp thêm thuế để bày tỏ thiện chí nhằm thúc đẩy đàm phán, nhưng không chắc liệu việc này có thể xảy ra, vị quan chức trên nói.

Tổng thống Trump không tới gặp ông Tập với tâm lý sẵn sàng nhượng bộ, ông muốn Bắc Kinh trở lại bàn đàm phán cùng những cam kết mà họ đã rút lại khiến đàm phán lần trước đổ bể.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng không thể hiện sẽ nhượng bộ Mỹ bất kỳ điều gì. Hôm thứ Hai, đại diện nước này tuyên bố cả Mỹ và Trung Quốc cùng phải nhượng bộ trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi chứ không chỉ một phía.

Những ẩn ý căng thẳng giữa hai bên cho thấy cuộc gặp Trump-Tập lần này có thể rất khó khăn và khó có thể trông đợi nhiều kết quả. Mặc dù luôn khẳng định quan hệ cá nhân với ông Tập rất tốt đẹp, nhưng ông Trump cũng tuyên bố phải có được một thỏa thuận tốt với Trung Quốc, còn không Mỹ sẽ cứ tiếp tục thu hàng tỷ đô thuế từ hàng hóa của Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu đoàn đàm phán Bắc Kinh đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm thứ Hai, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Ba người đã đứng sau hỗ trợ mở đường cho cuộc gặp mặt quan trọng của hai nhà lãnh đạo Trump-Tập vào cuối tuần này.

Đến nay, người ta không có nhiều kỳ vọng về kết quả của cuộc gặp này. Kịch bản tốt nhất là hai bên sẽ phục hồi đàm phán chính thức, sẽ giúp xoa dịu lo sợ trong các thị trường tài chính vốn tạo ra nhiều đợt biến động trong thị trường chứng khoán toàn cầu.

Các cố vấn của ông Trump nói họ không kỳ vọng đạt được thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp, nhưng hy vọng nó sẽ tạo ra một lộ trình hướng tới đàm phán. Khi đàm phán được tái tục, quá trình đó có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm mới kết thúc, vị quan chức cấp cao Mỹ nói. Ông cho rằng một số nội dung có thể đạt được sớm, trong khi nhiều mục tiêu sẽ mất thời gian hơn.

Tuy nhiên Tổng thống Trump đã cho thấy ông không hoàn toàn dựa vào ý kiến của các cố vấn. Nếu ông không thấy triển vọng tiến triển và quyết định đánh thuế ngay lập tức, quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục lún sâu vào đối đầu và thù địch.

“Tôi nghĩ rằng nếu họ đánh thuế, đàm phán thương mại coi như chết. Chấm hết.”, một người có liên quan tới đàm phán nói với Reuters.

Hoa Kỳ đã nói rõ rằng họ muốn Trung Quốc đưa trở lại các cam kết mà họ đòi bỏ ra trong bản dự thảo thỏa thuận thương mại, vốn gần hoàn thiện trước khi Trung Quốc đòi hủy bỏ chúng. Một nội dung quan trọng trong cam kết này là Trung Quốc phải sửa luật về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại.

Về phần mình, Bắc Kinh muốn Mỹ phải gỡ bỏ thuế quan, trong khi Washington muốn duy trì một phương thức để đảm bảo Trung Quốc phải giữ lời hứa của mình, xét về lịch sử thất hứa của chính quyền Trung Quốc sau khi gia nhập WTO và các tổ chức quốc tế khác. Mỹ cũng muốn Trung Quốc phải ra luật để bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài bị cưỡng ép chia sẻ công nghệ.

Một vấn đề cụ thể có thể xuất hiện trong cuộc gặp Mỹ-Trung lần này là Huawei.

Mấy ngày gần đây, Mỹ liên tục gia tăng áp lực lên tập đoàn công nghệ “con cưng” của Bắc Kinh này. Khoảng một chục công ty ở các vùng nông thôn của Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào các thiết bị của Huawei đang liên hệ với các đối thủ của Huawei như Ericsson và Nokia để tìm nguồn thay thế, theo Reuters.

Ông Trump từng ám chỉ ông sẵn sàng đưa Huawei vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Đức Trí

Xem thêm: