Mỹ đang theo đuổi thương vụ xe tăng và vũ khí cho Đài Loan trị giá hơn 2 tỷ USD. Động thái này có thể khiến Trung Quốc giận dữ khi quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng về cả thương mại và các vấn đề địa chính trị khác, Reuters đưa tin.

dai loan my
(Ảnh từ CNA)

Reuters, dẫn bốn nguồn tin giấu tên thông thạo về các cuộc đàm phán mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan, cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông báo không chính thức về thương vụ vũ khí tiềm năng với Đài Bắc cho Quốc hội Mỹ.

Ba nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng thương vụ vũ khí tiềm năng nêu trên bao gồm 180 xe tăng M1A2 trị giá khoảng 2 tỷ USD, cũng như các loại đạn pháo chống tăng và chống hạm. Đài Loan đã sở hữu nhiều xe tăng chiến đấu do Mỹ sản xuất, trong đó bao gồm nhiều chiếc M60 Patton và hòn đảo dân chủ tự trị này đang quan tâm tới việc bổ sung thêm các loại tăng mới.

Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan. Washington dù không có mối quan hệ ngoại giao cấp nhà nước chính thức với Đài Bắc, nhưng có quyền giúp cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện tự vệ căn cứ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng Ba đã nói rằng Mỹ đang phản ứng tích cực với các yêu cầu mua vũ khí mới của Đài Bắc để tăng cường khả năng phòng thủ nhằm đối mặt với áp lực gia tăng từ Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh trước nay vẫn coi Đài Loan là tỉnh ngoài khơi xa, lãnh thổ thiêng liêng của mình và chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đào tự trị này sáp nhập vào Đại Lục.

Reuters cho biết phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thương vụ vũ khí với nước ngoài, đã nói rằng chính phủ Mỹ không bình luận về hoặc xác nhận các thương vụ vũ khí tiềm năng hoặc đang treo trước khi chúng được chính thức thông báo tới Quốc hội.

Hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng trong thông báo không chính thức mà Bộ Ngoại giao gửi Quốc hội có đề cập tới nhiều đạn pháo chống tăng, trong đó có 409 tên lửa Javenlin do Raytheon Co và Lockheed Martin Corp sản xuất trị giá khoảng 129 triệu USD.

Ngoài ra, thông báo đó cũng nhắc tới 1.240 tên lửa chống tăng TOW trị giá khoảng 299 triệu USD, một nguồn tin tiết lộ và nói thêm rằng cũng có khoảng 250 tên lửa đất đối không vác vai trị giá khoảng 223 triệu USD.

Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã triển khai một cuộc đại tu được chờ đợi từ lâu về chính sách xuất khẩu vũ khí của Mỹ nhằm mục đích mở rộng các thương vụ với các đồng minh. Tòa Bạch Ốc khi đó nói rằng việc đổi mới chính sách này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và tạo thêm việc làm cho công ty và công nhân Mỹ.

Một trong những kiến trúc sư của chính quyền Trump cho chính sách đó là Cố vấn Thương mại Peter Navarro. Ông Navarro – một người chống Trung Quốc mạnh mẽ – đã viết về thương vụ xe tăng tiềm năng với Đài Loan trong một bài bình luận trên tờ New York Times hồi tháng Ba, trước chuyến thăm của Tổng thống Trump tới nhà máy sản xuất tăng Lima, Ohio.

Trong một hội nghị kêu gọi đầu tư diễn ra hồi tháng Tư, Giám đốc điều hành của General Dynamics, ông Phebe Novakovic nói rằng vào giai đoạn thấp điểm, quân đội Mỹ chỉ nhận 1 xe tăng/tháng từ General Dynamics. Tuy nhiên, ông Novakovic nói thêm rằng “chúng tôi sẽ xuất xưởng 30 xe tăng/tháng vào cuối năm nay,” một phần vì có nhiều đơn đặt hàng quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan, tuần trước Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo cơ quan này sẽ bán 34 máy bay không người lái ScanEagle do Boeing sản xuất trị giá 47 triệu USD cho chính phủ các nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Những chiếc máy bay không người lái này sẽ đủ khả năng thu thập thông tin tình báo lớn hơn, có khả năng kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Xuân Thành