Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Bảy (20/10) đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký với Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh và hiện nay Nga là bên thay Liên Xô tiếp nối cam kết này. Câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Trump lại muốn rút khỏi Hiệp ước INF và động thái này nhằm ngăn chặn cường quốc hạt nhân Nga hay nhắm trực tiếp vào cường quốc hạt nhân mới nổi Trung Quốc?

Embed from Getty Images

Tổng thống Mỹ Reagan và Lãnh đạo Liên Xô Gorbachev bắt tay sau khi ký Hiệp ước INF năm 1987.

Hiệp ước INF là gì?

Hiệp ước INF do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đàm phán với Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và được Thượng viện Mỹ thông qua vào năm 1988. Hiệp ước này yêu cầu hai nước xóa bỏ hoàn toàn tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Trong Hiệp ước INF có quy định: “cấm hai bên sản xuất, thử nghiệm và triển khai các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn vào khoảng 500km – 1.000km (đối với loại tầm ngắn) và 1.000km – 5.000km (đối với loại tầm trung). Hai nước cũng phải giải giáp tất cả các hệ thống tên lửa có tầm bắn từ 500km – 5.500km“.

Tại sao Trump muốn hủy bỏ INF?

Tổng thống Trump nói với báo giới về ý định hủy bỏ Hiệp ước INF sau buổi tập trung chiến dịch tại bang Nevada hôm 20/10: “Không may mắn, Nga đã không tôn trọng thỏa thuận này vì vậy chúng tôi sẽ chấm dứt các thỏa thuận và chúng tôi sẽ rút lui”.

Washington cho rằng Mowscow đang phát triển và đã triển khai hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất vi pham Hiệp ước INF. Hệ thống này có thể cho phép Nga khởi động một cuộc tấn công hạt nhân vào Châu Âu trong một khoảng thời gian ngắn.

Thực tế, ông Trump đã muốn rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước INF thời gian ngắn sau khi ông bước vào Nhà Trắng hồi cuối tháng 1/2017. Vào đầu tháng 8/2017, Tổng thống Trump đã đề nghị Quốc hội Mỹ xem xét lại một loạt các giải pháp củng cố an ninh quốc phòng, mở đường cho việc ông sẽ ký bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA).

Tuy nhiên, do ràng buộc của Hiệp ước INF với điều khoản các bên phải giải giáp toàn bộ tên lửa tầm ngắn và tầm trung nên nếu Mỹ muốn củng cố lại lá chắn thép bảo vệ Mỹ và đồng minh từ xa bằng việc tái sử dụng một loại tên lửa có tầm bắn vào khoảng 500km đến 5.000km thì họ buộc phải hủy bỏ Hiệp ước INF và đàm phán lại thỏa thuận mới với Nga.

Theo Reuters, ông John Bolton – Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump sẽ thăm Moscow vào tuần tới và khả năng ông Bolton sẽ thay mặt Tổng thống Trump chính thức đặt vấn đề với Điện Kremlin về việc hủy bỏ Hiệp ước INF và đàm phán lại hiệp ước mới.

Hủy bỏ INF, Trump cũng nhắm vào Trung Quốc?

Trung Quốc không phải là một bên tham gia Hiệp ước INF nên họ đã đầu tư mạnh vào tên lửa thông thường và hạt nhân tầm trung như một phần trong chiến lược quốc phòng chống tiếp cận.

Cụ thể vào tháng 5/2017, Trung Quốc tiết lộ đã bắn thử thành công tên lửa “không xác định” ở biển Bột Hải, gần bán đảo Triều Tiên mà theo các chuyên gia đây là loại tên lửa “tầm trung” có tầm bắn vượt trên 2.000km.

Một điều đáng chú ý là trong khi Mỹ – Nga đang bị Hiệp ước INF ràng buộc thì Trung Quốc lại tự do gia tăng cơ số đầu đạn hạt nhân. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), đến tháng 6/2018 Trung Quốc đã tăng thêm 10 đầu đạn hạt nhân lên cơ số 280, đồng thời chế độ Bắc Kinh cũng đang gia tăng phát triển tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân mà họ luôn tuyên bố là chỉ nhằm mục đích tự vệ.

Trong phát biểu tại Nevada hôm 20/10, ông Trump cũng đã chỉ thẳng tên Trung Quốc khi nói về ý định rút khỏi Hiệp ước INF. Tổng thống của Đảng Cộng hòa nói rằng Mỹ sẽ tái phát triển hệ thống vũ khí này nếu Nga và Trung Quốc không đồng ý cùng dừng triển khai.

Ngoại giới nhận định rằng, tiếp sau cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế, bằng việc hủy bỏ Hiệp ước INF, ông Trump sẽ lôi Trung Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang mới hao tiền tốn của giống như những gì mà cựu Tổng thống Ronald Reagan đã thực hiện để gián tiếp khiến Liên Xô tự sụp đổ khi “sức cùng, lực kiệt”. ­­

Tân Bình

Xem thêm: