Hôm thứ Tư, Mỹ loan báo kế hoạch chính thức rút khoảng 12.000 quân khỏi Đức nhưng vẫn sẽ giữ một nửa ở Châu Âu để phòng bị căng thẳng với Nga. Động thái này là kết quả sau một thời gian dài Tổng thống Donald Trump mâu thuẫn với Berlin về vấn đề chi tiêu quốc phòng và thương mại. 

Embed from Getty Images

Tháng trước, ông Trump thông báo ý định cắt 1/3 tổng số 36.000 quân đang đồn trú ở Đức sau khi chỉ trích Đức không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng của NATO và còn lợi dụng nước Mỹ về thương mại. 

“Chúng ta không muốn làm kẻ ngốc nữa”, ông Trump nói với phóng viên tại  Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư khi thông qua quyết định. “Chúng tôi sẽ giảm quân số bởi vì họ không chịu chi trả hóa đơn của chính họ; đơn giản thế thôi”. 

Bộ Trưởng Quốc phòng Mark Esper nói rằng kế hoạch rút quân của Mỹ sẽ đảm bảo để không làm tổn hại đến NATO và nỗ lực đối trọng với sự can thiệp của  Nga, bởi những rủi ro đặt ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. 

Trong một thông báo sẽ làm Moscow khó chịu, ông Esper nói một phần lính Mỹ sẽ được huy động tới đóng quân ở vùng Biển Đen và một phần khác có thể sẽ được đưa tới vùng Biển Baltic, tức là tới sát biên giới Nga. 

Một phần binh lính rời Đức sẽ tới đóng quân thường trực tại Ý và đại bản doanh quan Mỹ ở Châu Âu sẽ rời từ Stuttgart, Đức tới Bỉ. 

Tổng cộng, gần 6.000 quân trong số 12.000 lính Mỹ được trông đợi sẽ ở lại Châu Âu, phần còn lại sẽ trở về đóng quân ở Mỹ nhưng sẽ dần được luân chuyển sang Châu Âu để làm nhiệm vụ tạm thời. 

Tôi xin thông báo rằng việc này sẽ giúp chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà tổng thống đề ra về vấn đề giảm quân số ở Châu Âu, cũng như phù hợp với các mục tiêu khác mà tôi đã vạch ra liên quan đến chiến lược”, ông Esper nói, theo Reuters. 

Tuy nhiên việc điều quân khỏi Đức cũng không phải dễ và có thể sớm xảy ra. Theo Reuters, giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chỉ có một phần nhỏ các đội tiên phong sẽ di chuyển trước, phần lớn còn lại sẽ phải mất nhiều năm để rút đi do phí tổn dự trù cho hoạt động này mất hàng tỷ USD. 

Một phụ tá thân cận của Joe Biden – ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ, nói rằng nếu Biden đắc cử vào tháng 11 này, ông sẽ tái xét lại quyết định rút quân khỏi Đức của Trump. 

Dù vậy, động thái rút quân khỏi Đức cũng đánh dấu rạn nứt lớn trong quan hệ đối với một trong những đồng minh quân sự, đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, trong khi cả Ý và Bỉ, 2 nước được lợi từ quyết định này của ông Trump cũng là những nước chi tiêu ít cho phòng thủ chung, theo NATO. 

Đức rõ ràng tỏ ra không hài lòng với quyết định này. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Roettgen, một đồng minh của Thủ tướng Angela Merkel nói rằng việc Mỹ rút quân sẽ “làm suy yếu liên minh NATO”. Nhưng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc đến tin tức này với thái độ tích cực, nói rằng các đồng minh đa được Mỹ thông báo trước. Tổng thống Lát-vi Gitanas Nauseda nói rằng nước ông sẵn lòng đón nhiều quân Mỹ hơn. 

“Tôi rất coi trọng tin tốt là Mỹ đề cập đến khả năng di chuyển thêm quân số tới các nước Baltic”, ông Nauseda nói. 

Từ Thế Chiến II, Hoa Kỳ luôn coi Đức là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất ở nước ngoài, các căn cứ ở Đức phục vụ làm trung tâm hậu cần quan trọng để Mỹ di chuyển quân đội khắp Châu Âu, thậm chí tới cả Trung Đông, Châu Phi và xa hơn nữa. 

Sau sự kiện Đông Đức sụp đổ năm 1989, Mỹ đã liên tục giảm binh lính ở Đức từ con số 200.000 lính ban đầu. 

Trọng Đức

Xem thêm: