Hôm thứ Bảy (3/11), tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, cùng tàu chiến của Canada đã gia nhập cùng các tàu khu trục Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu lớn nhất từ trước tới nay trên biển Nhật Bản. Cuộc tập trận này diễn ra từ thứ Hai (5/11) tới thứ Năm (8/11).

Embed from Getty Images

Tàu sân bay USS Ronald Reagan

Reuters cho biết Nhật Bản và Mỹ đã huy động tổng cộng 57.000 thủy thủ, thủy quân lục chiến và phi công tham gia cuộc tập trận mang tên Kiếm Sắc (Keen Sword) diễn ra hai năm một lần, nhiều hơn năm 2016 11.000 quân nhân. Cuộc tập trận này sẽ bao gồm các màn diễn tập chiến tranh với các mục tiêu giả lập trên không, đổ bộ mặt đất và phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Riêng quân nhân Nhật tham gia tập trận Kiếm Sắc là 47.000, bằng 1/5 lực lượng vũ trang của Nhật Bản.

Trả lời báo giới trên boong tàu sân bay Reagan, Chuẩn Đô đốc Mỹ Karl Thomas cho hay: “Chúng tôi ở đây để ổn định và duy trì khả năng [chiến đấu] của chúng tôi nếu cần thiết. Các cuộc tập trận như Kiếm Sắc chính xác là thứ mà chúng tôi cần thực hiện”.

Theo Reuters, Mỹ cũng điều 8 tàu chiến khác gia nhập cùng tàu sân bay Ronald Regan thực hiện màn tập trận chiến tranh chống tàu ngầm, phô trương lực lượng vũ trang trên vùng biển mà Washington và Tokyo đều lo ngại sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cũng có mặt trên tàu sân bay Reagan, Chuẩn Đô đốc Nhật Bản Hiroshi Egawa cho biết: “Liên minh Mỹ – Nhật là cần thiết cho sự ổn định khu vực này và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn hơn”.

Trước đó, hôm thứ Năm (1/11) trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Úc, Đô đốc John Richardson – chỉ huy tác chiến của Hải quân Mỹ, cho biết: “[Cuộc tập trận] Kiếm Sắc duy trì thể hiện cam kết của các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng. [Cuộc tập trận] giúp chúng ta thực sự nhìn thấy cái chúng ta có thể làm trong việc thể hiện khả năng tiên tiến cùng nhau nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Canada lần đầu tham gia tập trận Kiếm Sắc

Theo Reuters, một tàu cung ứng hải quân Canada cùng một tàu khu trục hôm thứ Bảy (3/11) đã di chuyển cùng tàu sân bay Ronald Reagan, chuẩn bị tập trận chung cùng hải quân Nhật Bản.

Tùy viên quân sự Canada tại Tokyo, Nhật Bản, Đại tá Hugues Canuel cho biết với sự tham gia của Canada, cuộc trận song phương Kiếm Sắc từ năm 1986, giờ biến thành “cuộc tập trận đa phương”. Ông Canuel nói thêm rằng việc tham gia vào cuộc tập trận Kiếm Sắc cũng phản ánh mong muốn của Canada trong việc hiện diện quân sự tại Châu Á.

Hiện nay, Canada không phải là nước phương tây duy nhất ngoài Mỹ đang mong muốn tìm kiếm vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Anh và Pháp cũng đang điều động nhiều tàu chiến hơn tới khu vực này khi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông gia tăng và ảnh hưởng của chế độ Bắc Kinh đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương và các tuyến thương mại chính quanh khu vực ngày càng mở rộng.

Được biết, Anh, Pháp, Úc và Hàn Quốc đều cử quan sát viên tới theo dõi cuộc tập trận Kiếm Sắc 2018.

Nhật Bản gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực

Nhật Bản đang sẵn sàng hơn trong việc thúc đẩy sự hiện diện quân sự của họ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong năm nay, Tokyo đã điều tàu chiến lớn nhất của mình – tàu sân bay trực thăng Kaga đi tuần tra khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương khoảng 2 tháng, trong đó dừng chân tại Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Singapore.

Tàu Kaga và hai tàu khu trục hộ tống cũng thực hiện diễn tập quân sự cùng một tàu ngầm của hải quân Nhật Bản ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng gây ảnh hưởng lớn hơn.

Cùng thời gian tàu Kaga tập trận, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm Trung Quốc đối thoại giảm căng thẳng giữa quân đội hai nước trên Biển Hoa Đông và tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á.

Chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Abe cuối tháng trước là chuyến công du đầu tiên của lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong vòng 7 năm qua. Trong các cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Abe đã nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực, trong đó có việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn xem Trung Quốc là đối thủ thách thức tiềm tàng lớn hơn Bắc Hàn vì hải quân đang mở rộng của chế độ Bắc Kinh ngày càng củng cố kiểm soát Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng sâu hơn vào Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo Reuters, Trung Quốc năm nay có kế hoạch chi tiêu 1,11 ngàn tỷ Nhân dân tệ (160 tỷ USD) cho lực lượng vũ trang, nhiều gấp ba lần chi phí quốc phòng của Nhật Bản và bằng khoảng 1/3 chi tiêu quân sự của Mỹ.

Yên Sơn

Xem thêm: