Với tuyên bố của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan phát ngôn quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước khi phải đối mặt với “những thách thức bên ngoài”, Mỹ cần tìm một phương tiện mới để giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, tập trung vào quyền con người, tờ Epoch Times trích lời một chuyên gia Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Hôm 11/9, tờ Nhân dân Nhật báo cho đăng một bài xã luận, gồm hơn 5.000 từ, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không chùn bước, ngay cả khi họ bị “ngăn cản” bởi các nước đã phát triển.

Cùng ngày, bà Phó Oánh (Fu Ying), Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, và là thành viên của Ủy ban Hàn lâm Viện Chiến lược Quốc tế Trung Quốc, tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã công bố một bài viết trên tờ Bloomberg, với tiêu đề: “Làm thế nào Trung Quốc có thể đối phó với một nước Mỹ đang thay đổi? – Từ chối thay đổi; Giữ bình tĩnh và Duy trì đối thoại”.

Theo Epoch Times, một số nhà quan sát và phân tích Trung Quốc đã coi 2 bài báo này là phản ứng “chính thức”, nhưng gián tiếp của Trung Quốc, trước đe dọa gần đây nhất của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng việc bị ngăn chặn là một trở ngại không thể tránh khỏi đối với các nước mới nổi, lập luận tất cả các siêu cường quốc nổi lên trước đây trên thế giới, đều đã gặp phải những thách thức tương tự. Tuy nhiên, bài xã luận tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn tự tin sẽ vượt qua trở ngại này, vì họ có “sức mạnh hệ thống xã hội to lớn”, được ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’ mang lại.

Có thể nhận thấy bài viết của bà Phó Oánh về cơ bản đưa ra cùng một cách lập luận, mặc dù ‘văn phong’ của nó phù hợp hơn với ‘thị hiếu phương Tây’.

Nhà phân tích kinh tế Tần Bằng (Qin Peng) cho rằng bài xã luận Nhân dân Nhật báo và bài viết của bà Phó Oánh, cần được coi là một hành động phối hợp, khi các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đạt được một số đồng thuận về cách Trung Quốc sẽ tiến hành hành động trong cuộc chiến thương mại. Bài xã luận mang tính đầy hận thù đối với Mỹ, thể hiện chiến lược của ĐCSTQ về việc không lùi bước.

Ông Tần Bằng cho rằng 2 bài báo này tiết lộ ý định thực sự của ĐCSTQ, và rằng thế giới bên ngoài không nên bị lừa dối hoặc bị ảnh hưởng bởi bất kỳ từ ngữ hay thái độ “nhẹ nhàng hơn” nào của Bắc Kinh. Trong khi ĐCSTQ có thể thực hiện một số nhượng bộ cần thiết, theo hệ thống hiện tại của mình, Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi thực sự nào đối với cơ cấu kinh tế của mình, hoặc đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới.

ĐCSTQ có thể áp dụng thủ đoạn trì hoãn hoặc có những quan chức Trung Quốc khác nhau đưa ra những thông điệp khác nhau, khiến cho thế giới nhầm lẫn. Điều đó sẽ phục vụ cho việc Bắc Kinh tận dụng lợi thế trước Mỹ, tham gia vào hoặc tạo ra những xung đột nội bộ trong nước Mỹ, để đạt được mục tiêu của mình.

Ông Tần Bằng cho rằng Mỹ nên thực hiện các sáng kiến mới để đạt được những tác động lớn hơn, với tổn thất ít hơn. Ví dụ như Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Việc trừng phạt có thể nhắm vào ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương, người đã ra lệnh bắt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác, vào các trại cải tạo. Mỹ cũng có thể trừng phạt công ty công nghệ số Hikvision của Trung Quốc vì đã tham gia gián tiếp vào cuộc đàn áp đó.

Theo ông Tần Bằng, nếu như Mỹ có thể tịch thu hoặc đóng băng tài sản của họ tại Mỹ, các quan chức ĐCSTQ khác, chắc chắn sẽ nhận được thông điệp, và sẽ bớt liều lĩnh, gây ra những tội ác đối với người dân.

Mặt khác, người dân thường Trung Quốc sẽ biết rằng chính quyền ông Trump sẵn sàng hỗ trợ nhân quyền, và sẽ ủng hộ họ chống lại chính quyền Trung Quốc, ông Tần Bằng nhận định. Đổi lại, Mỹ sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ người dân thường Trung Quốc, để giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.

Theo ông Frank Tạ Điền (Frank Tian Xie), một giáo sư về kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, các phái đoàn đàm phán của Mỹ và Trung Quốc, đã có một cuộc tranh luận rất khốc liệt, trong các cuộc đàm phán thương mại. Ông Frank cho rằng các quan chức ĐCSTQ đã khiến cho phái đoàn đàm phán Mỹ chán ngắt ‘đến chết’ trong nhiều giờ, với những tuyên bố theo phong cách điển hình của ĐCSTQ, vô nghĩa, trống rỗng, nhưng ‘đao to búa lớn’.

Trong các cuộc đàm phán, các quan chức và học giả của ĐCSTQ được cho là đã cáo buộc Mỹ ‘bắt nạt’ Trung Quốc. Nhưng họ luôn tránh né những câu hỏi thực sự từ phía Mỹ. Kết quả là, cuộc đối thoại là một thất bại hoàn toàn.

Ông Tần Bằng tin rằng sẽ không có bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến thương mại này, trừ khi có những thay đổi hoàn toàn trong cấu trúc chính trị của Trung Quốc.

Duy Minh

Xem thêm: