Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad kêu gọi Trung Quốc nên đối thoại với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma và chấm dứt các hành vi can thiệp vào tự do tôn giáo Tây Tạng.

Embed from Getty Images

Ông Branstad nói như trên trước các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm Tây Tạng tuần trước.

Ông cũng “bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào quyền tự tổ chức và thực hành tôn giáo của những phật tử Tây Tạng”, theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ.

Theo Reuters, đây là chuyến thăm đầu tiên của một đại sứ Mỹ kể từ năm 2015, trong bối cảnh căng thẳng về thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.

Tuyên bố này chạm vào vùng nhạy cảm của Bắc Kinh là chủ quyền của khu tự trị Tây Tạng, khu vực mà Bắc Kinh dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm vào năm 1951. Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh cũng nổi giận khi Mỹ ra lệnh cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc đóng cửa Tây tạng đối với người nước ngoài và người gốc Tây Tạng muốn về quê hương.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh loan báo Đại sứ Branstad nói ông đã “khuyến khích chính phủ Trung Quốc tham gia vào cuộc đối thoại thực chất với Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc đại diện của ông, mà không có điều kiện tiên quyết nào, nhằm tìm ra một giải pháp xử lý các khác biệt”.

Đại sứ Branstad đã gặp các quan chức chính quyền Trung Quốc và các nhân vật tôn giáo cũng như văn hóa của Tây Tạng, đồng thời nêu lên “các quan ngại lâu nay” về việc thiếu sự tiếp cận Tây Tạng.

Ông Branstad cũng “bày tỏ quan ngại liên quan tới sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào quyền tự do của các nhà sư Tây Tạng”.

Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc người nước ngoài được đặt chân đến Tây Tạng, đặc biệt là nhà báo và các nhà ngoại giao. Tuy nhiên vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ hoan nghênh đại sứ Mỹ Branstad đến Tây Tạng để chứng minh những thay đổi to lớn trong đời sống và sản xuất của nhân dân “kể từ cuộc giải phóng hòa bình hơn 60 năm trước.”

“Tôi hy vọng chuyến thăm Tây Tạng có thể giúp đại sứ Branstad đưa ra kết luận không bị chi phối bởi định kiến trong tinh thần tôn trọng sự thật … hơn là bị bối rối và can thiệp bởi tin đồn và phát ngôn phỉ báng”, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc nói.

Trung Quốc tuyên bố Tây Tạng thuộc lãnh thổ của họ từ hàng thế kỷ trước, nhưng nhiều người Tây Tạng cho rằng họ là một quốc gia độc lập trong phần lớn lịch sử khi bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1950.

Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy trốn sang Ấn Độ sau khi cuộc nổi dậy chống Trung Quốc thất bại vào năm 1959. 80.000 người Tây Tạng tỵ nạn đã theo ông sang Ấn Độ, nơi ông thành lập chính quyền Tây Tạng lưu vong. Ông kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc cho Tây Tạng quyền tự trị thực sự. Bắc Kinh gọi ông là kẻ ly khai nguy hiểm và từ chối đối thoại với những đại diện của ông trong hơn một thập kỷ và nổi giận với bất cứ nhà cầm quyền nước ngoài nào có liên hệ với ông.

Đức Trí