Hai tàu chở dầu hôm thứ Năm (13/6) đã bị tấn công tại Vịnh Oman, gần lối vào Eo biển Hormuz do Iran kiểm soát. Thủy thủ đoàn trên hai tàu đã được sơ tán an toàn, tuy nhiên 2 tàu bị bốc cháy và trôi nổi trên biển. Mỹ lập tức lên tiếng cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công phá hoại này.

Embed from Getty Images

Một trong hai tàu bị tấn công là Front Altair của NaUy. Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng tàu này có thể bị trúng mìn từ tính. Tàu bốc cháy và tạo ra cột khói khổng lồ trên vùng biển giữa các nước Ả Rập và Iran. Thủy thủ đoàn của tàu Front Altair đã được một tàu hàng khác cứu và sau đó được chuyển lên tàu cứu hộ của Iran.

Chiếc tàu thứ hai bị tấn công là tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản. Thủy thủ đoàn trên tàu đã được sơ tán an toàn. Công ty thuê tàu nói nói rằng khả năng tàu đã bị trúng ngư lôi. Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng vụ tấn công này không sử dụng ngư lôi.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng một vật liệu nổ chưa xác định, có thể là mìn limpet, được phát hiện ở bên sườn tàu Kokuka Courageous.

Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đóng tại Bahrain cho biết họ đã trợ giúp hai tàu bị tấn công sau khi nhận được các cuộc gọi cứu hộ.

Trao đổi với báo giới ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói: “Chính phủ Mỹ đánh giá rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công đã xảy ra trên Vịnh Oman hôm nay.” Tuy nhiên, ông Pompeo không đưa ra bằng chứng rõ ràng nào để bảo vệ cho cáo buộc của mình.

“Đánh giá này dựa trên thông tin tình báo, các vũ khí được sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện hoạt động này, những vụ Iran tấn công tàu hàng tương tự, và thực tế rằng không có nhóm phiến quân ủy nhiệm nào hoạt động trong khu vực này có nguồn lực và năng lực để hành động với mức độ phức tạp cao như vậy,” ông Pompeo giải thích thêm.

Theo Reuters, chưa có bên nào lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Các nhà phân tích cảnh báo không nên vội vàng kết luận về thủ phạm. Các nhà phân tích nói rằng dễ hiểu khi nhận định Iran có thể thực hiện vụ tấn công này, nhưng cũng có thể một bên nào đó đã hành động để làm giảm uy tín của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố trên Twitter rằng vụ tấn công này là “đáng ngờ” và kêu gọi đối thoại khu vực.

Một quan chức an ninh Châu Âu giấu tên cho biết quốc gia của ông đang thực hiện đánh giá một cách thận trọng về vụ tấn công trên Vịnh Oman.

“Hiện tại có rất nhiều bộ phận và ‘thực tế’ chuyển động, vì vậy lời khuyên duy nhất của tôi là hãy đánh giá mọi thứ cẩn trọng,” vị quan chức Châu Âu giấu tên nói.

Nga, một trong những đồng minh chính của Iran, đã kêu gọi các bên cần thận trọng. Moscow nói rằng không ai nên vội vàng đánh giá về sự vụ đó hoặc sử dụng nó để đặt áp lực lên Tehran.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa Mỹ và Liên đoàn Ả Rập rằng thế giới không thể gánh chịu được “một cuộc đụng độ lớn tại khu vực Vùng Vịnh.”

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết ông đã yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dấy lên vụ tấn công tại Vịnh Oman trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an vào cuối ngày thứ Năm.

Trong khi đó, liên minh quân sự do Ả Rập Saudi lãnh đạo – lực lượng đang chiến đấu với nhóm Houthis do Iran hậu thuẫn tại Yemen – đã mô tả các sự kiện tại Vịnh Oman hôm 13/6 là “leo thang lớn”.

Chủ tịch hiệp hội tàu chở dầu INTERTANKO, ông Paolo d’Amico cũng lên tiếng nói rằng: “Chúng ta cần nhớ rằng khoảng 30% khối lượng dầu thô thế giới đi qua eo biển này. Nếu vùng biển này trở nên không an toàn, thì nguồn cung dầu cho toàn bộ thế giới phương Tây có thể gặp rủi ro.”

Theo Reuters, giá dầu thô thế giới đã tăng vọt lên hơn 4% sau vụ việc hai tàu chở dầu bị tấn công hôm 13/6. Giá dầu sau đó đã ổn định ở mức tăng 2%.

Xuân Thành

Xem thêm: