Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc là một trong những chương trình phát triển tham vọng nhất và gây tranh luận nhiều nhất. Dưới thời chính quyền Trump, nước Mỹ đang mở ra nhiều dự án hạ tầng và sáng kiến mới khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm cố gắng phản công ảnh hưởng đang lan rộng của Trung Quốc trong khu vực.

Embed from Getty Images

Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo dựng Một Vành đai, Một Con đường (OROB, còn được gọi là Vành đai và Con đường) như một phần quan trọng của kế hoạch bành trướng ảnh hưởng địa chính trị họ. Sáng kiến này nhằm mục đích chuyển hàng tỷ USD đầu tư hạ tầng để kết nối Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Kế hoạch này trải dài qua gần 70 quốc gia và bao phủ hơn hai phần ba dân số thế giới.

Tuy nhiên trong những năm gần đây OBOR bị đưa ra thành vấn đề thảo luận, vì phần lớn dự án được cung cấp tài chính thông qua những đơn vị cho vay bị nhà nước Trung Quốc chi phối, làm các nước vay khốn quẫn vì những gánh nợ khổng lồ.

Trong khi OBOR đã tiến hành được năm năm (từ năm 2013), thì mới gần đây nước Mỹ mới phản ứng với kế hoạch đầy tham vọng này của Trung Quốc, theo Daniel Kliman, một nhà nghiên cứu của chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Vì một nền an ninh mới cho nước Mỹ, một nhóm nghiên cứu an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington.

“Điều này phản ánh thất bại của khả năng tưởng tượng,” ông Kliman nói tại một buổi họp do Quỹ Di sản chủ trì hôm 17 tháng Mười Hai.

“Rất giống với điều chúng ta chứng kiến trong trường hợp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng đất ở Biển Đông, tôi nghĩ các nhà lập chính sách Mỹ ngay từ đầu không nhận thức được đầy đủ quy mô và sự thành công của Vành đai và Con đường, và cách nó được dùng để thúc đẩy những lợi ích của Trung Quốc trên thế giới ”, ông Kliman nói.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ hiện tại đã có một tầm nhìn chiến lược về OBOR, và nhìn nhận nó là một phần tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường thế giới và thách thức vị trí của Mỹ.

Dưới thời chính quyền Trump, phản ứng của nước Mỹ đối với OBOR là “nhất quán hơn và toàn diện hơn điều chúng ta đã từng chứng kiến trong quá khứ và chiều hướng là tích cực”, ông Kliman lập luận, bổ sung thêm rằng nước Mỹ có nhiều cơ hội để tranh đua vì các nước mới nổi đang ngày càng quan tâm tới những hệ quả tiêu cực trong đầu tư của Trung Quốc.

Phản ứng của Mỹ

Trong những tháng gần đây, chính quyền Trump đã lên tiếng mạnh mẽ hơn nhiều chống lại Trung Quốc và vùng phủ sóng đang ngày càng lớn của họ. Phát biểu tại Hội nghị CEO trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea hôm 16 tháng Mười Một, Phó Tổng thống Mike Pence đã chỉ trích OBOR và nói nước Mỹ “đưa ra một lựa chọn tốt hơn”.

“Chúng tôi không nhấn chìm đối tác của chúng tôi trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc hay làm tổn hại nền độc lập của các bạn,” ông Pence nói. “Nước Mỹ giao dịch công khai và công bằng. Chúng tôi không đưa ra một vành đai dần xiết chặt hay con đường một chiều.”

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton lặp lại những lo ngại tương tự về OBOR. Phát biểu tại một sự kiện trong tháng này, ông Bolton đã lên án chiến lược của Trung Quốc sử dụng nợ để kìm giữ các nước Châu Phi tuân theo lệnh của họ.

Ông Bolton gọi OBOR là “một kế hoạch phát triển một loạt các tuyến giao thương dẫn tới Trung Quốc và xuất phát từ Trung Quốc, với mục tiêu cuối cùng là thế thống trị toàn cầu đang tăng tiến của Trung Quốc.”

Cùng với việc tuyên bố ngày càng mạnh mẽ, chính quyền Trump đã ban hành một loạt chính sách để xử lý vấn đề OBOR. Ví dụ, vào tháng Mười, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tối ưu Tốt hơn Các khoản Đầu tư Dẫn tới Phát triển, gọi tắt là Đạo luật BUILD với sự ủng hộ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đạo luật này đã được ông Trump ký ban hành.

Đạo luật BUILD thiết lập nên cơ quan Hợp tác Quốc tế Phát triển Tài chính (IDFC) và tăng gấp đôi khả năng tài trợ phát triển của Mỹ lên tới 60 tỷ USD. IDFC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực đầu tư tư nhân của Mỹ trong các thị trường mới nổi “nhằm bổ sung việc hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.”

Theo ông Kliman, đạo luật BUILD là “một nhân tố thay đổi cách chơi tiềm năng trong khả năng nguồn tài nguyên của Mỹ.”

Thêm vào đó, trong tháng này Thượng viện và Hạ viện đã thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á – Asia Reassurance Initiative, gọi tắt là ARIA, cho phép chi 1,5 tỷ USD hàng năm trong năm năm cho chi tiêu quốc phòng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung quốc trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Hợp tác với đồng minh

Nước Mỹ đã khởi động một phản ứng được điều phối đối với những khoản đầu tư được Trung Quốc hỗ trợ, hợp tác với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Úc và New Zealand. Ví dụ, hồi cuối tháng trước Mỹ và các đồng minh vùng Thái Bình Dương đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một hệ thống lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD ở Papua New Guinea.

Liên minh Châu Âu gần đây cũng công khai tuyên bố một chiến lược mới nhằm kết nối Châu Âu và Châu Á. Dù Brussels tuyên bố rằng đây không phải là sự cạnh tranh với OBOR, nó vẫn rất giống với một lựa chọn thay thế cho OBOR, ông Kliman nói.

“Vì thế ngày nay có nhiều cơ hội cho nước Mỹ hợp lực với Châu Âu trong việc cùng thực hiện những dự án hạ tầng chung”, ông Kliman nói.

Theo ông Kliman, đồng thời Mỹ cũng có nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế đầu tư của Trung Quốc trong những nước đang phát triển.

“Ví dụ, mùa hè này, nước Mỹ đã tuyên bố công khai một quỹ tư vấn quản lý kinh doanh mới. Về cơ bản nó sẽ giúp các nước đánh giá các hợp đồng tiềm năng với Trung Quốc mà không bị lợi dụng theo cách đã xảy ra ở Sri Lanka.” ông Kliman nói.

Sri Lanka, không có khả năng trả món nợ ngày càng tăng cho Trung Quốc, cuối năm ngoái đã phải trao cảng Hambantota của họ cho Bắc Kinh theo một thỏa thuận cho thuê 99 năm đầy tranh cãi.

Ông Kliman cũng nói rằng nước Mỹ sẽ ủng hộ các nhà báo điều tra tại những nước Trung Quốc đầu tư, gây sức ép chế độ Bắc Kinh phải loại bỏ các thỏa thuận ngầm khiến nhiều nước vay nợ phải gánh nợ, gây nguy hại cho chủ quyền của họ.

Theo The Epoch Times,

Dung Lê biên dịch

Xem thêm: