Tờ Politico tuần trước dẫn theo các nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết một số cố vấn trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thúc giục áp đặt chế tài thứ cấp lên Trung Quốc vì nước này vẫn nhập khẩu dầu mỏ của Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên ngành dầu mỏ của chế độ Tehran.

chiến tranh thương mại
Ảnh minh họa từ Marketplus

Trong một bản tin đăng tải tuần trước, tờ Politico cho biết: “Các quan chức cấp cao trong chính phủ [Mỹ] hiện nay đồng ý rằng Trung Quốc đã bất chấp chế tài của Mỹ để nhập khẩu hơn một triệu thùng dầu mỏ từ Iran vào tháng trước. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đang gặp khó trong việc quyết định xem có đáp trả hay không và đáp trả thế nào hành vi của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng xem xét việc ban hành quyết định miễn trừ chế tài, cho phép các công ty Trung Quốc tiếp tục nhập dầu mỏ của Iran như là một cách thức thu hồi vốn đầu tư mà họ đã rót vào một mỏ dầu của Tehran. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị loại bỏ. Những cố vấn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hiện tại đang thúc đẩy chính phủ Mỹ áp đặt chế tài thứ cấp lên các thực thể Trung Quốc, một động thái sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước và gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung.

Được biết, sau khi rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Mỹ cho rằng không đủ cứng rắn, chính quyền Trump đã tái áp đặt các hạn chế kinh tế đã bị đình chỉ theo thỏa thuận, cùng các chế tài mới khác, tập trung nhắm vào các ngành dầu mỏ, khí đốt, vận tải biển, ngân hàng cùng các ngành khác của Iran. Nỗ lực nhiều mặt này là một phần của chiến dịch áp lực tối đa mà Mỹ thực hiện đối với Iran để thuyết phục nước này đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới.

Ban đầu, Tổng thống Trump đã ban hành quyết định miễn trừ chế tài cho 8 nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, để đảm bảo các hạn chế ngành dầu mỏ Iran không gây bất ổn cho giá dầu thế giới. Tuy nhiên, vào tháng Tư năm nay, chính quyền Trump đã thông báo chấm dứt gia hạn miễn trừ, cảnh báo các nước phải dừng mua dầu của Iran từ đầu tháng Năm nếu không sẽ phải đối mặt với chế tài bổ sung.

Trung Quốc, cùng với Ấn Độ do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Iran nên vẫn duy trì nhập dầu của nước này bất chấp có thể phải chịu chế tài thứ cấp của Mỹ.

Tờ Financial Times hồi tháng Sáu loan tin: “Trung Quốc đang mua dầu của Iran bất chấp các chế tài của Mỹ và đang cung cấp cho cái mà Tehran hy vọng sẽ là nguồn tài chính cho nền kinh tế đang suy thoái của họ. Mặc dù số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy việc mua dầu mỏ từ Iran đang giảm xuống sau từng tháng, nhưng Trung Quốc vẫn đang nhập dầu của Tehran bất chấp các biện pháp Mỹ thiết lập để cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Iran về ‘không’. Tuần trước Trung Quốc đã nhận được chuyến hàng dầu mỏ Iran đầu tiên kể từ sau khi chính quyền Trump xóa bỏ miễn trừ hồi tháng Năm.

Theo Breitbart, hồi tháng 2/2018, quân đội Mỹ đã cảnh báo rằng việc dỡ bỏ chế tài cho Iran theo thỏa thuận hạt nhân 2015, đã cho phép Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ của họ với Iran – quốc gia mà Mỹ liệt vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.

Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, được cho là một mối đe dọa với Mỹ, dự kiến cũng sẽ chạy qua Iran.

Tờ Breitbart dẫn lời Đặc sứ Mỹ về Iran Brian Hook hồi tháng trước nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng chiến dịch áp lực tối đa của ông Trump nhắm vào Iran đang “hiệu quả”. Ông Brian Hook cho rằng chiến dịch này đã làm giảm khả năng của Iran trong việc thúc đẩy khả năng quân sự của họ, cũng như ngăn chặn Tehran tài trợ cho các đội quân ủy nhiệm, trong đó có các chiến binh Hồi giáo Shiite chống Mỹ ở Iraq và tổ chức khủng bố, buôn lậu ma túy Hezbollah, hoạt động ở cả Tây Bán cầu.

Với việc Trung Quốc vẫn nhập khẩu dầu Iran, chế độ Tehran lớn tiếng tuyên bố rằng Mỹ không thể ngăn chặn họ xuất khẩu dầu mỏ. Iran thậm chí đã đe dọa sẽ phong tỏa Vịnh Ba Tư để đáp trả chế tài của chính quyền Trump. Chế độ Tehran nói rằng nếu họ không thể xuất khẩu dầu mỏ, thì không nước nào có thể chuyển dầu qua Vùng Vịnh – tuyến hàng hải quan trọng, ước tính 20% lượng dầu giao thương của toàn thế giới đi qua vùng biển này mỗi ngày.

Như Ngọc