Văn phòng Biện lý đặc biệt Robert Mueller hôm thứ Sáu (16/2) đã phát hành cáo trạng tiết lộ chi tiết hơn các nỗ lực của Nga nhằm can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Embed from Getty Images

Ông Muerller được chỉ định là Biện lý đặc biệt từ tháng 5/2017 để phụ trách cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Reuters cho hay trong bản cáo trạng 37 trang, Văn phòng của ông Mueller đã cáo buộc 13 cá nhân và 3 công ty Nga có liên quan đến các hoạt động gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cữ Mỹ 2016, ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump và hạ uy tín của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.

Theo BBC, bản cáo trạng cho biết các cá nhân và tổ chức Nga thực hiện các công việc sau:

– Giả danh là những người Mỹ và mở tài khoản ngân hàng mang tên những người này; một số trực tiếp tới Hoa Kỳ

– Sử dụng hàng ngàn USD mỗi tháng để mua các quảng cáo chính trị trên internet

– Mua các máy chủ đặt ở Mỹ với nỗ lực để che dấu có sự liên hệ với Nga

– Tổ chức các cuộc tập trung chính trị trong lòng nước Mỹ

– Giả mạo công dân Mỹ để phát tán các thông điệp chính trị lên mạng xã hội

– Thúc đẩy các thông tin bôi nhọ bà Hillary Clinton

– Nhận tiền từ khách hàng để đăng thông tin lên các trang web truyền thông xã hội Mỹ

– Tạo nhiều nhóm có chủ đích trên mạng xã hội về các vấn đề nóng, đặc biệt trên Facebok và Instagram

– Hoạt động với ngân sách mỗi tháng khoảng 1,25 triệu USD

– Tài trợ để tạo hình ảnh mô phỏng bà Hillary Clinton mặc bộ đồ tù nhân, đứng trong lồng sắt, trên xe tải diễu phố.

Tuy nhiên, bản cáo trạng nêu trên không nhắc gì đến vấn đề liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Điện Kremlin hay không. Văn phòng của ông Mueller cho biết họ vẫn đang tiếp tục điều tra việc Trump-Nga.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nói rằng không có bất cứ lời buộc tội nào cho rằng bất kỳ người Mỹ nào là “người tham gia có chủ đích về hoạt động bất hợp pháp này” và cáo trạng cũng không cáo buộc rằng sự can thiệp này đã làm thay đổi kết quả bầu cử Mỹ 2016.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại gia Nga Maria Zakharova đã lên án cáo buộc nêu trên là “vô lý” và chế giễu ý kiến cho rằng một ít người Nga có thể làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.

Bà Zakharova đặt câu hỏi trên Facebook rằng: “13 người chống lại ngân sách hàng tỷ USD của mật vụ Mỹ?”.

Trong một phiên họp tại hội nghị an ninh ở Munich, Đức cùng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và các quan chức các nước khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từ chối bình luận về bản cáo trạng liên quan đến người Nga mà Mỹ mới công bố. Nhưng ông Lavrov cũng đã dấy lên các vấn đề về cuộc điều tra này.

Quý vị có thể công khai bất cứ điều gì quý vị muốn. Nhưng cho tới khi chúng ta thấy được sự thật, mọi thứ cũng chỉ là sự thổi phồng”, Reuters dẫn lời ông Lavrov.

Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, ông H R McMaster đã thừa nhận rằng bằng chứng hiện nay về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là “không thể chối cãi”.

Ông McMaster nhấn mạng sẽ rất khó khăn để che dấu những nỗ lực “can thiệp vào tiến trình dân chủ của chúng ta”.

Trong tweet đăng tải hôm thứ Sáu (16/2), Tổng thống Donald Trump lần đầu thừa nhận rằng Nga đã cap thiệp vào bầu cử Mỹ.

Nga đã bắt đầu chiến dịch chống Mỹ từ năm 2014, thời gian dài trước khi tôi thông báo sẽ tranh cử Tổng thống. Kết quả của cuộc bầu cử đó không bị ảnh hưởng. Chiến dịch Trump không làm bất cứ điều gì sai – không có thông đồng”, ông Trump viết.

Theo BBC, những bị cáo Nga có tên trong bản cáo trạng của Mỹ có thể sẽ không bị bắt giữ hoặc xuất hiện tại một tòa án Mỹ vì giữa Nga và Mỹ chưa có hiệp định về dẫn độ tội phạm.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau khi Văn phòng Biện lý Mueller công bố cáo trạng liên quan đến cuộc điều tra Nga.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: