Chính phủ Trump gần đây đã kịch liệt lên án bạo lực tiếp diễn tại Nicaragua và chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ của Tổng thống Daniel Ortega lạm dụng nhân quyền và tham nhũng.

Nicaraugu
Lực lượng bán quân sự Nicaragua thân chính quyền Ortega. (Ảnh: Marvin Recinos/AFP/Getty Images)

Tuyên bố mới nhất của văn phòng báo chí Nhà Trắng phát đi hôm thứ Hai (30/7) nói: “Mỹ đứng về phía người dân Nicaragua, trong đó có cả thành viên Đảng Sandinista, những người đang kêu gọi cải cách dân chủ và chấm dứt bạo lực. Bầu cử tự do, công bằng và minh bạch là cách thức duy nhất hướng tới khôi phục nền dân chủ tại Nicaragua”.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính quyền Ortega phải tổ chức cuộc bầu cử sớm.

Nicaragua là đất nước nhỏ bé ở khu vực Trung Mỹ với chỉ 6 triệu dân. Đây cũng là quốc gia nghèo thứ hai tại Tây bán cầu, chỉ xếp trên Haiti.

Nicaragua đã bị nhấn chìm trong các cuộc biểu tình từ 18/4. Người dân đất nước Trung Mỹ này ồ ạt xuống đường để phản kháng việc chính quyền Ortega đề xuất tăng thuế và cắt giảm tiền lương. Bạo lực gia tăng mạnh mẽ hơn khi chính quyền đáp trả người biểu tình bằng súng đạn.

Theo Epoch Times, chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ do Đảng Sandinista lãnh đạo và ông Ortega và vợ Rosario Murillo kiểm soát toàn bộ quyền lực, đã sử dụng các nhóm vũ trang thân chính phủ, được mạnh danh là “những gã du côn Sandinista” và cảnh sát để tấn công người biểu tình. Nhóm này nhiều lần bắn đạn thật vào đám đông, cho tới nay đã khiến 350 người biểu tình thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Đa số người bị thương do trúng đạn từ súng cầm tay, các vết đạn thường ở đầu, cổ và ngực. Cũng có dấu hiệu cho thấy chính quyền cố gắng cản trở công lý và che dấu bản chất của những vụ giết người này. Điều này dẫn tới việc Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng Năm đã đưa ra kết luận rằng “có dấu hiệu cho thấy cảnh sát và các nhóm vũ trang thân chính phủ đã thực hiện nhiều hành vi bất hợp pháp”.

Giáo hội Công giáo Nicaragua đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ortega và phe đối lập, nhưng lãnh đạo Đảng Sandinista đã bác bỏ kế hoạch này và gọi những giáo sĩ tham gia “lãnh đạo đảo chính”, theo Đức giám mục Carlos Avilés – thành viên Hội đồng Ủy ban Đối thoại Quốc gia tại Nicaragua nói với tờ Vatican News.

Chính phủ Trump vẫn ủng hộ các bên tổ chức đối thoại, đồng thời cũng gia tăng áp lực lên chế độ Ortega.

Hôm 5/7, chính phủ Mỹ đã áp đặt chế tài lên ba quan chức Nicaragua gồm Francisco Diaz, Fidel Moreno, và Francisco Lopez vì lạm dụng nhân quyền và tham nhũng chiếu theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu.

Trong thông báo về chế tài nêu trên, Nhà Trắng nói: “Thông qua các chế tài này, Mỹ đang thể hiện rằng chúng tôi sẽ buộc các quan chức chế độ Ortega, những người ra lệnh bạo lực, lạm dụng hoặc ăn cướp của người dân Nicaragua phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ. Đây là bước khởi đầu, chưa phải là các chế tài cuối cùng”.

Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng họ chắc chắn sẽ rút lại các phương tiện mà họ đã cung cấp cho Cảnh sát Quốc gia Nicaragua vì “những phương tiện này đã được sử dụng để đàn áp những người biểu tình hòa bình” và Mỹ cũng sẽ dừng bán và tài trợ các trang thiết bị mà “lực lượng an ninh của ông Orterga có thể lạm dụng”.

Chính phủ Mỹ gần đây cũng đã bổ sung 1,5 triệu USD tiền viện trợ cho phong trào tự do, dân chủ tại Nicaragua. Số tiền này được phía Mỹ chuyển qua các tổ chức nhân quyền và các hãng truyền thông độc lập.

Nhà Trắng khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình tại Nicaragua và làm việc với cộng đồng quốc tế để buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực”.

Tổng thống Daniel Ortega, 72 tuổi, cầm quyền tại Nicaragua từ năm 2006. Ông và Đảng Sandinista tự nhận xây dựng đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ, học tập mô hình của đồng minh Venezuela. Khi lên cầm quyền, ông Ortega hứa sẽ thực hiện các chương trình tăng phúc lợi và tái phân phối thu nhập. Nhưng sau đó, lãnh đạo Đảng Sandinista đã thể hiện dấu hiệu thu vén quyền lực cá nhân và thời gian ông cầm quyền gắn liền với các cuộc đàn áp phe đối lập và các cáo buộc gian lận bầu cử.

Sách trắng Thế giới 2017 của Cục Tình báo Mỹ (CIA) cho biết: “Tổng thống [Ortega] đã giành được quyền kiểm soát tất cả bốn nhánh của chính phủ: Hành pháp, Tư pháp, Lập pháp và Ủy ban Bầu cử”.

Trong khi đó, chính phủ của ông Ortega vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào hàng trăm triệu USD tiền trợ cấp nước ngoài từ Mỹ, Châu Âu và Venezuela. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp này đang cạn dần vì các nước tự do đã mất kiên nhất với việc ông Ortega liên tiếp lạm dụng quyền lực, trong khi đồng minh Venezuela cũng đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo trầm trọng.

Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF) dự đoán rằng lạm phát tại Nicaragua khả năng sẽ vượt tăng trưởng GDP năm nay và quỹ an sinh xã hội của nước này sẽ cạn kiệt vào năm tới.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2017, Mỹ hiện đang là đối tác kinh tế lớn nhất của Nicaragua, chiếm hơn 50% doanh thu xuất khẩu và 20% đầu tư nước ngoài của quốc gia Trung Mỹ này. Đa số kiều hối của Nicaragua hàng năm cũng là từ Mỹ.

Tân Bình

Xem thêm: