Chính quyền Mỹ hôm thứ Ba (16/7) đã thông báo chế tài áp lên Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và một số lãnh đạo cao cấp khác trong quân đội Myanmar. Washington cho rằng ông Min Aung Hlaing và một số tướng lĩnh quân đội phải chịu trách nhiệm về những vụ giết người phi pháp cộng đồng người Hồi giáo Rohingya hồi năm 2017.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, ngoài Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, phó Tổng tư lệnh Soe Win và hai chuẩn tướng Than Oo và Aung Aung cũng có tên trong danh sách bị Mỹ chế tài lần này. Những người này sẽ bị cấm di trú vào Mỹ và bị phong tỏa tài sản tại Mỹ (nếu có). Đây là bước đi mạnh mẽ nhất mà Mỹ thực hiện để phản ứng với vụ thảm sát người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại Myanmar.

Trong tuyên bố về chế tài nêu trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay: “Chúng tôi vẫn quan ngại rằng chính quyền Myanmar đã không có hành động gì để buộc tội những người chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền, và tiếp tục có những báo cáo về việc quân đội Myanmar vẫn đang vi phạm và lạm dụng nhân quyền khắp cả nước.

Ông Pompeo nói trong một tiết lộ gần đây rằng Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã ra lệnh thả tự do cho những binh lính bị kết án giết người phi pháp tại làng Inn Din trong cuộc thanh trừng sắc tộc Rohingya năm 2017. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hành động này của Tướng Min Aung Hlaing là “một ví dụ điển hình của sự thiếu trách nhiệm tiếp diễn và nghiêm trọng của quân đội và lãnh đạo cấp cao quân đội [Myanmar].

Tổng tư lệnh đã thả tự do cho những kẻ tội phạm sau khi chúng chỉ bị ngồi tù vài tháng, trong khi các nhà báo đưa tin cho thế giới biết về những vụ giết người tại Inn Din đã bị bỏ tù tới hơn 500 ngày,” ông Pompeo nói.

Hai nhà báo của Reuters người Myanmar Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã đưa tin phơi bày vụ thảm sát tại làng Inn Din năm 2017. Cả hai nhà báo này bị chính quyền Myanmar bỏ tù hơn 16 tháng với tội danh thu thập bí mật nhà nước. Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã được thả tự do trong đợt ân xá tù nhân hôm 6/5/2019.

Thông báo chế tài các tướng lĩnh quân đội Myanmar của Mỹ đến trong ngày đầu tiên của một hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về tự do tôn do giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức và Ngoại trưởng Mike Pompeo làm chủ tọa. Đại diện của người Hồi giáo Rohingya cũng tới Mỹ tham gia hội nghị này.

Với thông báo này, Mỹ là chính phủ đầu tiên [trên thế giới] công khai hành động liên quan tới nhà lãnh đạo quân đội cao cấp nhất của Myanmar,” ông Pompeo nói và khẳng định rằng: “Chúng tôi liệt những cá nhân này [vào danh sách chế tài] dựa trên những thông tin đáng tin cậy về việc các chỉ huy này liên quan đến vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Được biết, vụ đàn áp quân sự tại Myanmar năm 2017 đã đẩy hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã từng tuyên bố rằng hành động của quân đội Myanmar khi đó bao gồm giết người hàng loạt, hãm hiếp tập thể và đốt phá trên diện rộng và được thực hiện với “mục đích diệt chủng”.

Quân đội Myanmar trước nay đều lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế về hành vi thanh trừng sắc tộc của họ. Quân đội Myanmar nói rằng hành động đối với người Hồi giáo Rohingya năm 2017 là một phần của cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Reuters, trước khi áp chế tài mới lần này, chính quyền Trump cũng đã trừng phạt 4 chỉ huy quân đội và cảnh sát, cùng hai đơn vị quân đội Myanmar liên quan tới những vụ đàn áp người Rohingya.

Như Ngọc

Xem thêm: