Chính phủ Mỹ hôm thứ Ba (10/11) đã áp đặt chế tài lên một số lãnh đạo quân đội Myanmar vì vi phạm nhân quyền bị cáo buộc từ lâu đối với người Hồi giáo Rohingya và các cộng động dân tộc thiểu số khác. 

Embed from Getty Images

Đồng thời, Mỹ cũng có hành động cứng rắn nhất nhắm vào người đứng đầu quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing vì tội diệt chủng cộng đồng thiểu số Rohingya. Lãnh đạo dân sự Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đang có mặt tại các phiên xét xử tại tòa án cấp cao nhất Liên Hiệp Quốc – Tòa Công lý Quốc tế, ở The Hague, Hà Lan. Bà San Suu Kyi sẽ bảo vệ cho quân đội Myanmar trước các cáo buộc diệt chủng.

Theo Fox News, Bộ Tư pháp Mỹ cũng áp đặt chế tài lên 18 cá nhân có vai trò trong việc “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Bộ Tài chính cho biết Tướng Hlaing chịu trách nhiệm lãnh đạo quân đội trong thời điểm khi mà “các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số bị giết hoặc bị thương do súng đạn, thường trong khi họ đang trốn chạy, hoặc bị binh lính chém bằng dao quân sự; những người khác bị thiêu chết trong chính những ngôi nhà của họ. Có các tuyên bố đáng tin cậy về cưỡng hiếp hàng loạt và các hình thức bạo lực tình dục khác do binh lính thực hiện”.

Các chế tài của Mỹ sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào tại Mỹ của những đối tượng bị nhắm mục tiêu và cấm người Mỹ kinh doanh với họ.

Cấp phó của ông Hlaing, ông Soe Win và hai thuộc cấp khác bị Mỹ chế tài vì đứng đầu các đơn vị quân đội lãnh đạo cuộc đàn áp người Rohingya.

Quân đội Myanmar tiến hành đàn áp người Rohingya vào năm 2017 khiến hơn 730.000 người Hồi giáo này phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh.

Ủy ban của Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế từ lâu đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ tái áp đặt chế tài lên những kẻ lạm dụng nhân quyền trong quân đội Myanmar. Nhiều chế tài như vậy trước đây đã bị dỡ bỏ dưới thời chính quyền Obama.

Tuy nhiên, trong hành động lần này, chính phủ Mỹ chưa tái áp đặt các chế tài kinh tế đối với Myanmar, những chế tài mà đã được Mỹ dỡ bỏ khi quân đội quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu nới lỏng dần quyền lực lãnh đạo đất nước. Mỹ cũng không chế tài các công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, hiện đang thống trị một số ngành kinh tế của đất nước này.

Myanmar trước nay vẫn phủ nhận các cáo buộc về vi phạm nhân quyền tràn lan và nói rằng hành động của quân đội là một phần của cuộc chiến chống khủng bố.

Tại phiên xét xử hôm 10/12 ở Tòa Công lý Quốc tế, Myanmar bị cáo buộc có ý định “hủy diệt nhóm người Rohingya, toàn bộ hoặc một phần bằng việc sử dụng thủ đoạn giết người hàng loạt, cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác, cũng như phá hủy có hệ thống bằng việc đốt phá các ngôi làng của họ, thường người dân bị nhốt ở bên trong những ngôi nhà đang cháy“.

Trong hơn hai năm qua, quân đội Myanmar được cho đã bắn hạ hàng nghìn người Rohingya, và đốt chết hàng nghìn người khác. Những người khác bị cưỡng hiếp hoặc nhà của họ bị đốt cháy hoàn toàn.

Tòa Công lý Quốc tế thụ lý vụ án quân đội Myanmar diệt chủng người Rohingya theo đơn kiện của Gambia – quốc gia Châu Phi với đa số dân theo Hồi giáo. Mặc dù Tòa Công lý Quốc tế không có cơ chế thực thi nếu tòa phát hiện Myanmar phạm tội tàn bạo, nhưng phán quyết của tòa có thể làm gia tăng áp lực lên các nước khác để họ có hành động mạnh mẽ hơn chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của Myanmar.

Phát biểu tại phiên tòa hôm 10/12, Tổng Chưởng lý Gambia Abuacarr M. Tambadou nói: “Tất cả những gì mà Gambia yêu cầu là quý vị hãy nói Myanmar phải chấm dứt hành vi giết người vô cảm, phải chấm dứt những hành động man rợ tiếp tục gây sốc lương tâm cộng đồng chúng tôi. Hãy chấm dứt nạn diệt chủng chính những những người dân của họ.

Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Hau Do Suan năm 2018 nói với Fox News rằng vấn đề nhân đạo đã nổi lên từ sau khi một nhóm người Rohingya thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố” chống lại chính phủ Myanmar trong các năm 2016 và 2017. Ông Hau Do Suan cho biết “vấn đề người Hồi giáo Bengali”  – tức người Rohingya, đã đang diễn ra từ khi Myanmar giành được độc lập từ Anh Quốc năm 1948.

Xuân Thành

Xem thêm: