Bộ Tài Chính Mỹ hôm thứ Hai (13/1) tuyên bố Trung Quốc không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ sau những tiến bộ đạt được trong đàm phán thương mại song phương. Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách này hồi tháng 8, sau khi Trung Quốc phá giá đồng tiền trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tăng cường. 

Embed from Getty Images

Bộ Trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin

Mỹ đưa ra động thái đầy tính thiện chí trên sau khi phái đoàn cấp cao Trung Quốc vừa tới Washington để chuẩn bị cho lễ ký kết Thỏa thuận Thương mại giai đoạn 1. Hai bên đã nỗ lực hết sức để chạm đến được một đồng thuận về thương mại, mặc dù chưa trọn vẹn, sau hơn 18 tháng xung đột thương mại.

Trong báo cáo vừa được công bố, Bộ Tài chính Mỹ cho hay trong nội dung thỏa thuận giai đoạn 1, “Trung Quốc đã chấp nhận những cam kết có thể cưỡng hành về việc chấm dứt phá giá tiền tệ mang tính cạnh tranh” và đồng ý công bố các tài liệu liên quan đến tỷ giá hối đoái, cân bằng đối ngoại.

Báo cáo nói rằng đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc, sau khi để trượt giá quá mức 7 đồng/USD hồi đầu tháng 9, đã được điều chỉnh lên vào tháng 10 và hiện được giao dịch ở tỷ lệ 6,93 đồng trên một USD.

“Trong hoàn cảnh này, Bộ Tài Chính đã quyết định rằng không nên tiếp tục coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ở thời điểm hiện tại”, báo cáo ghi.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc cần có các hành động dứt khoát để tránh duy trì đồng tiền yếu liên tục và mở cửa thị trường rộng hơn để củng cố triển vọng phát triển dài hạn.

Bộ Tài chính cũng dẫn lại quan ngại về hoạt động tiền tệ của Trung Quốc từ 9 quốc gia khác, bao gồm Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam và Thụy Sĩ.

Hồi tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc lần đầu tiên bị chính quyền Trump đưa vào danh sách thao túng tiền tệ kể từ năm 1994 sau khi cáo buộc Bắc Kinh thao túng tỷ giá hối đoái để tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng đối với hàng hóa Mỹ.

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng nội dung hiệp định thương mại Mỹ, Trung đã hoàn tất và sẽ được hai bên ký kết vào ngày 15/1, trong đó vẫn có nội dung yêu cầu Trung Quốc mua 40 tỷ USD tới 50 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm và mua tổng cộng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng hai năm tới.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: