Hôm 29/3, hơn một triệu người tràn xuống đường phố thủ đô Algiers cùng hàng trăm ngàn người tại các thành phố lớn của Algeria đòi toàn bố chế độ của Tổng thống Bouteflika phải ra đi và không chấp nhận giải pháp thay thế của quân đội.

Đây là cuộc biểu tình của tuần thứ sáu liên tiếp chống lại chính phủ tại quốc gia bắc Phi này

Cảnh sát Algeria đã dùng hơi cay và vòi rồng để cố giải tán hàng trăm nghìn người biểu tình đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức sau khi quân đội kêu gọi phế truất ông này nhằm giải tỏa cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hàng tuần.

Những người tham nhũng phải ra đi. Chúng ta quyết tâm rửa sạch đất nước”, Noureddine Menar, nhân viên bưu điện 33 tuổi nói với phóng viên.

Áp lực trên đường phố sẽ tiếp tục cho đến khi chế độ ra đi”, một sinh viên tên Mohamed Djemai, 25 tuổi nói trong khi cảnh sát chống bạo động và máy bay trực thăng tuần tiễu.

Các cuộc biểu tình chống ông Bouteflika, 82 tuổi, bắt đầu diễn ra từ tháng trước, sau khi tổng thống tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi đã cầm quyền 20 năm. Trước phản ứng của người dân, ông Bouteflika rút lại tuyên bố này, nhưng không làm người dân Algeria hài lòng.

Những người biểu tình đòi hỏi ông Bouteflika cùng toàn bộ thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị của Algeria phải ra đi, trong đó gồm cả những người có thể sẽ nằm trong vị trí lên thay ông, cũng như bác bỏ giải pháp thay thế của quân đội.

Hôm 26/03/2019, Tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria, tướng Gaid Salah nêu khả năng sử dụng điều 102 của Hiến Pháp để truất phế tổng thống Bouteflika, vì lý do “không còn khả năng điều hành đất nước“. Tuy nhiên, đề nghị này không thuyết phục được hàng triệu người dân Algeria trong khi họ xem tuyên bố này thể hiện quân đội muốn nhúng tay vào chính trị để giữ quyền lợi của mình.

Samir, một người dừng chân tại cảng Algiers cùng hai con, không muốn nhắc đến điều 102 của bản Hiến Pháp. Anh nói: “những người cầm quyền đang câu giờ để có thời gian tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Họ trông thấy các làn sóng người tràn ngập đường phố thì họ lo sợ”.

“Chúng tôi chỉ có một từ để nói ngày hôm nay. Đó là toàn bộ băng đảng phải ra đi ngay lập tức. Cuộc chơi đã kết thúc.” Tại cuộc biểu tình ở Algiers, một người có tên là Ali nói với Reuters.

Nazim, sáu lần tham gia biểu tình liên tiếp và tới nay anh không hài lòng với giải pháp mà chính quyền đề xuất. Anh bày tỏ: “Chúng tôi đến đây để đòi tự do, đòi được tiếng nói của mình phải được tôn trọng và đòi tất cả những người đang cầm quyền phải ra đi. Chúng tôi muốn có một gương mặt mới, một người thực sự có khả năng lãnh đạo đất nước và hy vọng có được một đất nước Algeria mới”.

“Người dân muốn chế độ này sụp đổ”, một người biểu tình khác hét lên.

Những người biểu tình đưa ra một đòi hỏi đầy tham vọng trong một quốc gia từ lâu vẫn được cai trị bởi những cựu chiến binh trong cuộc chiến độc lập chống Pháp, những người mà nhiều người Algeria nay xem là quá già và quá lạc hậu.

Họ muốn thay thế hệ thống lỗi thời này bằng một thế hệ lãnh đạo mới có khả năng hiện đại hóa đất nước đang phụ thuộc vào dầu mỏ và mang lại hy vọng cho dân tộc khát khao cuộc sống tốt đẹp hơn.

Saadia Blaid, một phụ nữ khóc khi cô choàng quốc kỳ của Algeria lên người, nói: “Tôi khóc bởi vì họ đã bắt cóc Algeria và đề xuất của quân đội là một trò đùa”.

“Chúng tôi muốn ông Salah phải ra đi”, một tấm biểu ngữ của người biểu tình ghi.

Trọng Đức