Gần đây chính phủ Malaysia tịch thu khoảng 243,5 triệu USD trong tài khoản tại Ngân hàng HSBC Malaysia của Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, và chuyển số tiền này vào tài khoản thuộc công ty của Bộ Tài chính Malaysia. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, số tiền này dùng để xây dựng “Vành đai và con đường”, khoảng 80% chi phí đã được chi trả, nhưng công trình chỉ hoàn thành được khoảng 13%, do đó chính phủ có quyền đòi lại số tiền liên quan từ phía Trung Quốc. 

Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (Ảnh: Shuetterstock)

Theo Reuters, năm 2016 (trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Najib Razak), Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí Trung Quốc đã giành được 2 hợp đồng, bao gồm xây dựng đường ống dẫn dầu dài khoảng 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia và xây dựng đường ống dẫn khí đốt dài khoảng 662 km trên đảo Borneo. Cả hai công trình này đều thuộc dự án “Vành đai và con đường” tại Malaysia của Trung Quốc. Tuy nhiên, do những công trình này bị cuốn vào bê bối tham nhũng của cựu Thủ tướng Najib Razak, nên sau khi ông Mahathir Mohamad nhậm chức Thủ tướng vào năm 2018, đã lập tức tuyên bố cần đàm phán lại hoặc huỷ bỏ các công trình mà phía Trung Quốc trúng thầu một cách “không công bằng” trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Najib Razak. Hai công trình này đã bị dừng vào tháng 7 năm ngoái.

Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng yêu cầu cần thẩm duyệt lại một số công trình khác thuộc “Vành đai và con đường”, về sau, trải qua nhiều tháng đàm phán, đến tháng 4 năm nay mới chỉ khôi phục lại công trình xây dựng tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông của Malaysia với Thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan; phía Trung Quốc bị yêu cầu phải giảm 1/3 chi phí của công trình này. 

Theo số liệu của Công ty tư vấn RWR Advisory Group, từ năm 2013 đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư vào 1674 công trình cơ sở hạ tầng tại 66 nước dọc theo “Vành đai và con đường”, nhưng trong đó có khoảng 14% và 234 công trình gặp rắc rối. Thực ra, không chỉ có Malaysia, mà còn có Myanmar, Pakistan và một số nước châu Phi cũng yêu cầu tiến hành đàm phán lại hoặc sửa đổi phương thức thanh toán. 

Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết, ông thực sự không hiểu vì sao người Trung Quốc có thể cảm thấy bất mãn với việc rút tiền ra, trong khi Malaysia không hề lấy đi số tiền mà họ đã hoàn thành công trình. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, hy vọng Malaysia có thể tiến hành “hiệp thương một cách hữu hảo” với Bắc Kinh về bất cứ vấn đề gì xảy ra trong dự án “Một vành đai, Một con đường”, để giải quyết tranh chấp một cách thoả đáng. 

Doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến rửa tiền?

Tháng 7/2018, BBC đưa tin, Malaysia đã dừng 3 công trình công cộng hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm 2 công trình đường ống dẫn khí đốt, và dự án tuyến đường sắt tiêu tốn 20 tỉ USD, kết nối bờ biển phía Đông  của Malaysia với Thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan

Bởi vì Bộ Tài chính Malaysia phát hiện, trong 2 công trình ống dẫn khí đốt, chỉ có 13% các hạng mục được hoàn thành, trong khi đã chi trả đến khoảng hơn 80% chi phí. Do đó, ông Tony Pua – một quan chức Bộ Tài chính Malaysia cho rằng, toàn bộ công trình giống như một vụ lừa bịp, liên quan đến hoạt động rửa tiền rất rõ ràng; sau khi Malaysia trả tiền cho doanh nghiệp Trung Quốc, ông nghi ngờ số tiền này có thể chảy vào túi của chính đảng của cựu Thủ tướng Najib Razak.

Tony Pua nói, từ năm 2009, sau khi ông Najib Razak nhậm chức Thủ tướng, đã thành lập quỹ phát triển chiến lược có tên “Quỹ một Malaysia phát triển” (1Malaysia Development Berhad), và nói rằng quỹ này sẽ dùng để giúp Malaysia phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực.

Về sau, truyền thông phơi bày, có gần 700 triệu USD từ tài khoản của quỹ này được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cá nhân ông Najib Razak, hiện quỹ này dư nợ hơn 12 tỷ USD.

Huệ Anh

Xem thêm: