Hôm thứ Ba (15/5), Tổng thống Nicolas Maduro đã hứa nếu tái cử, ông sẽ thực hiện “những thay đổi lớn” tại Venezuela nhằm đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng đại khủng hoảng kinh tế.

Embed from Getty Images

Ông Maduro phát biểu trong buổi tập trung chiến dịch tại Charallave, Caracas hôm thứ Ba (15/5).

Phát biểu trong một buổi tập trung chiến dịch tranh cử tại cộng đồng dân cư Charallave, phía nam thủ đô Caracas trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào Chủ Nhật (20/5), ông Maduro cho hay: “Venezuela cần những thay đổi kinh tế lớn và bản thân chúng tôi sẽ làm điều đó”.

Tuy nhiên, vị tổng thống 55 tuổi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, không đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào mà ông sẽ thực hiện để xoay chuyển tình hình kinh tế tồi tệ của Venezuela hiện nay, đã chìm sâu trong suy thoái trầm trọng suốt 5 năm qua kể từ khi Maduro kế nhiệm cố Chủ tịch Hugo Chavez năm 2013.

Trong suốt nửa thập kỷ lãnh đạo đất nước, bất chấp áp lực từ các đối thủ chính trị và sự mong mỏi của hàng triệu người dân Venezuela, ông Maduro đã từ chối thực hiện các cải cách dù là nhỏ nhất nền kinh tế do nhà nước điều hành yếu kém, chẳng hạn như khắc phục việc kiểm soát giá và tiền tệ bất hợp lý.

Thực tế cho thấy ông Maduro đang dùng các biện pháp trấn áp bằng sức mạnh để tiếp tục củng cố quyền lực hơn là tranh cử minh bạch.

Cho dù uy tín cá nhân rơi rớt thảm hại, nhưng ông Maduro được dự đoán vẫn sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới vì lực lượng đối lập chính tẩy chay không tham gia tranh cử, trong khi các cơ quan quan trọng vẫn nằm trong tay lực lượng trung thành với ông Maduro.

Nếu quý vị cho tôi quyền lực của quý vị vào ngày 20/5, tôi thề… với quý vị, trong suốt cuộc đời mình tôi sẽ dâng hiến bản thân cho việc thực hiện tất cả các thay đổi kinh tế mà Venezuela cần có để tái sinh”, ông Maduro phát biểu trước những người ủng hộ.

Với nhiều người Venezuela đổ lỗi cho ông Maduro đã gây ra tình trạng đại lạm phát làm hủy hoạt giá trị tiền lương, thiếu thốn thực phẩm, bùng phát trở lại nhiều bệnh dịch vốn đã được kiểm soát và di dân ồ ạt, những phát biểu của vị tổng thống xã hội chủ nghĩa chỉ là lời hứa sáo rỗng.

Trước nay, ông Maduro vẫn luôn đổ lỗi “chiến tranh kinh tế” do Mỹ lãnh đạo đã gây ra khó khăn cho Venezuela, trong đó có các chế tài gần đây mà Washington áp đặt lên các cá nhân và tổ chức có liên quan tới Maduro.

Một số nhà quan sát chính trị quốc tế dự đoán rằng ông Maduro khả năng sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn chống lại các doanh nghiệp sau khi ông ta tái đắc cử, điều này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Gần đây, chính quyền Maduro đã cho bắt giữ nhiều nhà điều hành cấp cao của ngân hàng Banesco – ngân hàng tư nhân chính yếu tại Venezuela và hai nhân viên của công ty dầu mỏ Chevron của Mỹ, gây hoang mang cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Công ty tư vấn Eurasia trong một báo cáo gần đây nói rằng: “Với việc ít có mong muốn giải phóng khung ngoại hối hoặc biện pháp điều chỉnh khác để khống chế siêu lạm phát, chính quyền [Maduro] chỉ có vài lựa chọn chính sách vượt trên cả sự can thiệp và trấn áp”.

Theo Reuters, hiện tại đối thủ tranh cử đáng chú ý nhất của ông Maduro là cựu thống đốc Henri Falcon.

Ông Falcon đang đề xuất đô la hóa nền kinh tế Venezuela, đảo ngược lại quá trình quốc hữu hóa cẩu thả và sẽ mở cửa đất nước đón nhận viện trợ nước ngoài khẩn cấp.

Trong cuộc tập trung chiến dịch tranh cử ở một khu vực dân cư nghèo tại Caracas vào tối thứ Hai (14/5), ông Falcon đã đặt câu hỏi rằng: “Quý vị thích gì hơn: hai petro hay hai đô la?”.Đô la!’’, đám đông ủng hộ ông Falcon hét lớn.

Ông Falcon đang ám chỉ sự vô dụng của đồng tiền ảo Petro mà chính quyền Maduro mới phát hành trong nỗ lực nhằm vượt qua các chế tài của Mỹ áp đặt lên chế độ Caracas.

Xuân Thành

Xem thêm: