Sáu người, bao gồm nhà hoạt động Nathan Law (La Quán Thông) và cựu nhân viên lãnh sự quán Anh Simon Cheng, đang bị cảnh sát Hồng Kông truy nã với cáo buộc vi phạm Luật an ninh quốc gia mới, theo SCMP.

6 nha hoat dong bi canh sat Hong kong truy na
6 nhà hoạt động bị cảnh sát Hồng Kông truy nã (Hàng trên từ trái qua: Nathan Law, Simon Cheng, Ray Wong. Hàng dưới từ trái qua: Samuel Chu, Lau Hong, Wayne Chan Ka-kui)

Ngoài hai người nói trên, những người khác đang bị truy nã gồm các nhà hoạt động Ray Wong và Lau Hong – hiện đều đang ở Anh; Wayne Chan Ka-kui, người được cho là đang ở Amsterdam, Hà Lan và Samuel Chu, người thuộc tổ chức Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC) hiện đang ở Mỹ. Họ đã bị buộc tội “kích động ly khai và thông đồng với các lực lượng bên ngoài,” gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, theo nguồn tin nói với SCMP.

Đây là lần đầu tiên cảnh sát Hồng Kông viện dẫn điều khoản ngoài lãnh thổ theo Luật An ninh quốc gia mới được Bắc Kinh triển khai tại đặc khu từ 1 tháng trước.

Phản ứng trước thông tin này, Nathan Law đã tuyên bố rằng tất cả các công việc vận động ở nước ngoài đều được thực hiện trong phạm vi cá nhân của tôi, mà không có bất kỳ mối liên hệ chính trị nào với các cá nhân khác. Kể từ khi tôi rời Hồng Kông, tôi đã không liên lạc với các thành viên trong gia đình. Tôi xin cắt đứt mối quan hệ và liên hệ trong tương lai với họ.”

Nathan Law đã rời Hồng Kông tới Anh Quốc ngay sau khi Luật An ninh có hiệu lực và cho biết anh sẽ tiếp tục công việc vận động ở cấp độ quốc tế. Anh đã gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/7 kêu gọi đoàn kết toàn cầu khi đối mặt với sự bành trướng của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Simon Cheng, là người Hồng Kông và từng làm tại bộ phận phụ trách các vấn đề về kinh tế ở Lãnh sự quán Anh tại đây, nói với SCMP rằng việc bị đơn vị an ninh quốc gia Hồng Kông buộc tội là “một vinh dự.” Tháng 8 năm 2019, anh bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ tại Thâm Quyến trong vòng 15 ngày với cáo buộc “châm ngòi bất ổn chính trị tại Hồng Kông” và bị tra tấn.

“Tôi đã không làm gì phản bội lương tâm của mình. Tất cả hành động của tôi là vì sự thịnh vượng của người dân và sự quan tâm của tôi đối với công chúng [Hồng Kông],” anh Cheng nói từ London. “Nếu họ nói tôi ly khai, Tôn Trung Sơn có phải là người ly khai không? Mao Trạch Đông có phải là người ly khai không?”

Anh Cheng tin tưởng rằng các nước phương Tây sẽ không dẫn độ những người Hồng Kông bị kết án chính trị về “một quốc gia độc tài.”

Kể từ khi luật mới được ban hành, một số nước phương Tây như Mỹ, Úc, Anh, New Zealand đã cắt bỏ các hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. 

Trong khi đó, Samuel Chu – người đã trở thành công dân Hoa Kỳ được gần 25 năm, cho biết ông thức dậy vào hôm thứ Sáu và được biết rằng mình nằm trong số những người bị truy nã. Ông được cho là công dân không-phải-người Trung Quốc đầu tiên được nhắm mục tiêu theo Luật An ninh quốc gia mới.

“Cảnh sát Hồng Kông đang ban hành lệnh bắt giữ một công dân Mỹ vì ủng hộ và vận động cho chính phủ riêng của tôi,” ông Chu nói. Tổ chức của ông có trụ sở tại Washington và đã vận động các nhà lập pháp Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều dự luật liên quan đến Hồng Kông.

“Rõ ràng là tôi có thể là công dân không-phải-người-Trung-Quốc đầu tiên trở thành mục tiêu, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Nếu tôi là mục tiêu, bất kỳ người Mỹ và bất kỳ công dân nào của bất kỳ quốc gia nào lên tiếng cho Hồng Kông đều có thể, và cũng sẽ bị kết tội như vậy,” ông Chu nói.

Luật An ninh: Mỹ cân nhắc các biện pháp cho phép người Hồng Kông định cư

Động thái của cảnh sát Hồng Kông diễn ra vào hôm Trưởng Đặc khu Carrie Lam viện dẫn Luật Khẩn cấp để trì hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp trong một năm, với lý do rủi ro sức khỏe từ đại dịch.

Ray Wong, người vừa được cấp quy chế tị nạn ở Đức, nói rằng cho dù chính quyền Hồng Kông có gán cho anh bất kỳ tội danh nào, họ cũng không thể đưa anh về từ nước ngoài. “Lý do duy nhất họ làm điều này là để dọa những nhà hoạt động Hồng Kông khác đang ở nước ngoài, vì một số người trong số họ vẫn muốn quay lại Hồng Kông trong tương lai.”

Trong một tweet, Wong cũng nói rằng anh đã không nói bất cứ điều gì liên quan đến độc lập Hồng Kông với các chính trị gia nước ngoài kể từ khi Luật An ninh quốc gia được ban hành. Do vậy, anh cho rằng chính quyền đưa anh vào danh sách truy nã dựa trên các hoạt động của anh trước khi Luật An ninh có hiệu lực. “Chính phủ Hồng Kông đã tiết lộ sự thật rằng họ sẽ dùng luật hồi tố.”

Ngay sau khi tin tức về danh sách những người bị truy nã xuất hiện, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này đã đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông. Ông nói thêm rằng quyết định của chính phủ đối với việc loại bỏ 12 ứng cử viên phe đối lập cho cuộc bầu cử LegCo và hoãn các cuộc thăm dò là vi phạm quyền của người Hồng Kông.

Trong khi đó, nhà hoạt động Lau Hong, còn được gọi là Honcques Laus, nói trên trang Facebook cá nhân rằng động thái của cảnh sát Hồng Kông đang đàn áp nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.

“Chính phủ Hồng Kông đàn áp tôi về mặt chính trị vì quan điểm chính trị và sự ủng hộ của tôi đối với tự do, dân chủ và độc lập. Điều này thật lố bịch,” anh nói. Lau gần đây đã chuyển đến Anh và đang xin tị nạn chính trị ở đó.

Anh nói thêm rằng chính phủ và quốc hội Anh ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, và nếu chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc muốn vi phạm luật pháp ở Anh, họ sẽ bị nước này và cộng đồng quốc tế trừng phạt nhanh chóng.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: