Theo hồ sơ tòa án ngày 20/7, một nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội gian lận visa vì che giấu mối quan hệ với quân đội Trung Quốc (PLA) đang lẩn trốn trong LSQ nước này tại San Francisco được 1 tháng.

Consulate General of China in SF
Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco (Ảnh: Wikipedia)

Các hồ sơ tại tòa án ở San Francisco cho hay Juan Tang, người từng làm việc tại Đại học California đã cố tình che giấu thông tin trong đơn xin thị thực của mình rằng cô không phục vụ cho quân đội Trung Quốc, theo Reuters.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh của cô trong bộ đồng phục quân đội Trung Quốc và phát hiện ra cô đã làm việc với tư cách một nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Không quân của Quân đội Trung Quốc.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thẩm vấn cô hôm 20/6. Sau đó, cô Juan đã đến LSQ Trung Quốc ở San Francisco và ở lại đó đến nay, theo FBI.  

Hôm 26/6, cô Juan bị buộc tội gian lận visa. Mặc dù vậy, cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ không thể vào Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước ngoài trừ khi được mời, và một số quan chức hàng đầu như đại sứ có quyền miễn trừ ngoại giao.

Hồ sơ tòa án nêu rõ: “Vụ về Tang đã chứng minh rõ LSQ Trung Quốc tại San Francisco đã cung cấp bến đỗ an toàn cho một quan chức của PLA để tránh việc bị truy tố ở Hoa Kỳ.” 

Hiện LSQ Trung Quốc tại San Francisco và cô Tang không thể liên lạc được, còn Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Tin tức này được Axios công bố đầu tiên. Theo Axios, việc sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao như LSQ để che chở cho ai đó bị cáo buộc phạm tội là một động thái bất thường đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong Công ước Viên về cách thức các nhà ngoại giao nên ứng xử khi ở nước ngoài, đã quy định rằng Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán vẫn có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp và quy định của Nước tiếp nhận.

Khói bốc lên tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì nhân viên huỷ tài liệu mật

Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang bùng lên dữ dội sau khi Mỹ buộc LSQ Trung Quốc ở Houston phải đóng cửa vào thứ Sáu này với cáo buộc “gián điệp”.  

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã viết trên Twitter gọi LSQ Trung Quốc tại Houston là “u bướu trung tâm của mạng lưới rộng lớn điệp viên và các hoạt động gây ảnh hưởng tại Mỹ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Còn quyền Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, ông Richard Grenell nói với Reuters rằng Mỹ có thể đóng cả LSQ Trung Quốc tại thành phố San Francisco.

“Có lời kêu gọi đóng cửa. Tôi lẽ ra đã đóng cửa cả hai [LSQ Trung Quốc] (ở Houston và San Francisco), nhưng cũng là hợp lý khi bắt đầu với một cái trước”, Reuters dẫn lời ông Richard Grenell.

Ngoài vụ liên quan đến Juan Tang, Reuters cho hay các công tố viên Mỹ cũng đang chống lại việc bảo lãnh cho một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác là Chen Song, cũng bị bắt vì gian lận visa. Song làm việc tại Đại học Stanford về nghiên cứu thần kinh, hồ sơ tòa án cho biết.

Các hồ sơ tòa án cũng đề cập đến hai nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội gần đây khác làm việc tại Đại học California, San Francisco và Đại học Duke.

Trước đó, FBI đã cảnh báo trong nhiều năm rằng các trường đại học ở Mỹ có nguy cơ bị đánh cắp tài sản trí tuệ từ các nhà nghiên cứu nước ngoài. Gần đây, Mỹ cũng đã thắt chặt các hạn chế đối với thị thực sinh viên.

Lê Xuân (tổng hợp)

Xem thêm: