Các binh lính Venezuela từ bỏ chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro, bỏ chạy sang Colombia hôm thứ Bảy (23/2), ngày mà lực lượng quân sự Venezuela bắn vào đoàn người biểu tình khiến ít nhất 3 người chết, nói họ lo sợ cho an toàn của gia đình, theo BBC.

Embed from Getty Images

Một binh lính đào thoát 23 tuổi tên Orla Guerin nói anh lo lực lượng trung thành với Maduro sẽ “trút giận lên gia đình” của mình.

“Nhưng tôi nghĩ đây là quyết định tốt nhất mà tôi có thể đưa ra”, anh này nói với BBC.

Hơn 100 binh lính được cho là đã bỏ chế độ, trong đó phần lớn là trong khi xung đột bạo lực với đoàn người tìm cách đưa hàng trợ cấp của Hoa Kỳ vào Venezuela.

Căng thẳng dâng cao giữa phe đối lập và chính phủ Maduro sau khi ông này ra lệnh chặn đường và cầu tại biên giới Brazil và Colombia, nơi hàng viện trợ đang được xếp hàng để chuẩn bị đưa vào quốc gia đang phải chịu cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng.

Hôm thứ Bảy, phe đối lập do Tổng thống lâm thời Juan Guaido lãnh đạo tràn ra biên giới, thể hiện quyết tâm đưa hàng cứu trợ vào. Ông Maduro từng cáo buộc các xe hàng viện trợ là âm mưu của Mỹ hòng phế truất ông. Tại nhiều điểm biên giới, lực lượng trung thành với Maduro đã bắn lựu đạn hơi cay, đạn cao su vào đoàn người biểu tình. Những người biểu tình đốt cháy các phương tiện, và ném đá vào cảnh sát. Ít nhất 3 người thiệt mạng và 300 người bị thương trong các cuộc đụng độ đẫm máu.

Phóng viên của BBC đã tìm gặp những binh lính bỏ chạy khỏi hàng ngũ trung thành với Maduro, chạy trốn sang biên giới Colombia tại một nhà thờ Công giáo, một ngày sau xung đột bạo lực giữa quân đội và người biểu tình.

Vị linh mục đưa các binh sĩ này vào tạm trú tại nhà thờ mô tả nhiều người trong số họ đến trong tình trạng cơ thể bầm dập và bị thương. Một số nói với BBC rằng họ đào ngũ bởi vì Venezuela cần thay đổi và con cái họ cần thức ăn. Sau khi nói chuyện với người thân qua điện thoại, một binh sĩ trẻ đã khóc.

BBC mô tả hầu hết binh lính đào ngũ mà họ gặp đã chạy bộ sang Colombia. Những người này cho hay các tướng lĩnh cấp cao vẫn ràng buộc với Tổng thống Maduro bởi các hoạt động tham nhũng và ông Maduro sẽ làm mọi cách để duy trì quyền lực. Tuy nhiên họ cũng tiết lộ những binh lính cấp thấp đang đặt niềm tin vào lãnh đạo đối lập Juan Guaido.

“Có nhiều binh lính muốn làm điều này. Nó sẽ tạo ra phản ứng domino. Việc này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến lực lượng vũ trang”, một người lính 29 tuổi nói với BBC trong điều kiện giấu tên.

“Lực lượng vũ trang đã bị suy yếu do có quá nhiều quan chức tham nhũng.

Quân đội chuyên nghiệp đã mệt mỏi. Chúng tôi không thể tiếp tục làm nô lệ, chúng tôi đang tự giải phóng chính mình.” anh nói thêm.

Một người lính đào thoát khác là phụ nữ, mô tả không khí ngày thứ Bảy là “căng thẳng”.

“Tôi đã nghĩ rằng tôi không thể làm hại người dân của mình được.

Con gái tôi vẫn ở Venezuela và đó là điều làm tôi đau khổ nhất. Nhưng tôi làm việc này vì nó. Thật khó khăn bởi tôi không biết người ta sẽ làm gì với con tôi.”

Người lính thứ ba nói anh cảm thấy đau khổ khi chứng kiến người Venezuela tràn ra đường, đấu tranh vì trợ cấp nhân đạo.

Tôi cảm thấy bất lực và vô dụng. Tôi thấy đau đớn vì mỗi chuyện đã xảy ra.”

Chứng kiến ngày thứ Bảy bạo lực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “những ngày của Tổng thống Maduro sắp kết thúc”.

“Khó có thể đưa ra ngày chính xác, nhưng tôi tin rằng người dân Venezuela sẽ đảm bảo rằng những ngày còn lại của Maduro sắp hết”, ông Pompeo nói với CNN.

Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido, người được Mỹ và hơn 50 quốc gia khác công nhận là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, kêu gọi các quốc gia khác cân nhắc mọi khả năng để lật đổ Maduro sau khi nỗ lực đưa hàng viện trợ qua biên giới bị ngăn cản bằng bạo lực.

Ông Guaido đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Colombia, nơi Mỹ và các quốc gia trong nhóm Lima (nhóm 14 quốc gia châu Mỹ tìm cách chấm dứt khủng hoảng Venezuela).

Trọng Đức

Xem thêm: