Chủ Nhật (16/4), người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý quan trọng để quyết định tương lai đất nước. Tổng thống Erdogan đang yêu cầu được trao nhiều quyền lực hơn, nhưng cũng có không ít quan ngại rằng việc này sẽ hướng đất nước rẽ sang chế độ độc tài.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hết sức quan trọng này, người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải quyết định có nên tăng cường quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau 9 tháng diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành hay không.

Nếu Tổng thống được tăng thêm quyền lực điều đó có nghĩa rằng sẽ không tồn tại chức danh Thủ tướng hoặc nội các chính phủ riêng nữa và Tổng thống có thể sẽ trực tiếp ban hành sắc lệnh hành pháp và luật mới.

Tổng thống cũng sẽ có quyền bổ nhiệm bất cứ ai ông muốn để giúp mình điều hành đất nước.

Đảng Công lý và Phát triển (AK) đang cầm quyền tại Thỗ Nhĩ Kỳ cho rằng hệ thống lập pháp của đất nước này đang không hoạt động tốt.

Ông Fatih Tuna, Phó chủ tịch đảng AK nói: “Mặc dù nền kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn có các nỗ lực đảo chính và chúng tôi không muốn phải đối mặt với điều này sau mỗi 15 năm”.

Những người còn hoài niệm về thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman tỏ rõ thái độ ủng hộ tăng thêm quyền lực cho Tổng thống đương nhiệm. Họ cho rằng ông Erdogan là người đàn ông mạnh mẽ và đã làm cho đất nước vĩ đại trở lại nên cần được trao thêm quyền lực nữa.

Trong khi những người phản đối lại lo sợ tăng thêm quyền lực rất có thể sẽ biến tổng thống trở thành một nhà độc tài thực sự.

Ông Emine Ozbay, 47 tuổi, nói với tờ Sky News rằng: “Tôi yêu Tổng thống của chúng tôi, tôi không thể chỉ trích cách ông ấy điều hành đất nước, ông ấy không có lỗi, nhưng tôi lo lắng về tương lai phía sau ông. Ai sẽ theo ông ta?”

Ông Ibrahim Kaboglu là giáo sư hàng đầu về luật hiến pháp. Ông rất quan tâm đến hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý này. Ông là một trong hàng chục nghìn người hoạt động dân chủ, nhà báo và các học giả đã bị bãi miễn chức vụ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016.

Ông Kaboglu nói: “Khi chúng ta trao hầu hết quyền lực hành pháp và tư pháp cho cùng một người, như vậy chúng ta đã mặc nhiên trao cho ông ta quyền không phải giải trình. Theo đó, sẽ không còn tồn tại sự giám sát và cân bằng quyền lực trong hệ thống chính trị tam quyền phân lập nữa.”

Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đầy bất ổn

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề rắc rối do hệ quả của cuộc đảo chính bất thành 9 tháng trước. Để  giành lại quyền kiểm soát chính quyền sau đảo chính, ông Erdogan đã sa thải tới 130.000 nhân viên hành chính công và bắt giữ khoảng 45.000 người, tạo ra một khoảng trống hành chính lớn trong tiến trình thanh lọc này.

Nhiều người trong số những người bị buộc tội tham gia đảo chính liên quan đến phong trào do Fethullah Gulen, giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong ở Pennsylvania. Ông Gulen chính là người mà Tổng thống Erdogan cáo buộc đã tổ chức cuộc nổi dậy ngày 15/7/2016. Tuy nhiên, không phải tất cả đều là người của  Gulen. Một số cá nhân bị sa thải là những người bất đồng chính kiến từ nguồn gốc thế tục, những người cánh tả hoặc người Kurd. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hơn 120 người trong số họ là nhà báo.

Nền kinh tế đất nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Gần ¼ người trẻ Thổ Nhĩ Kỹ không có việc làm – tỉ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đầu năm 2009. Trong khi đó, ông Erdogan cũng không thể kiểm soát được biên giới phía nam với Syria, nơi đang diễn ra cuộc nội chiến căng thẳng và kéo dài.

Theo thông tin từ tờ New York Times, phe đối lập mà chính quyền Erdogan ủng hộ đã không lật đổ được Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi phiến quân người Kurd –  lực lượng ông Erdogan coi là khủng bố – đã thành lập chính quyền độc lập ở miền bắc Syria nhờ sự hậu thuẫn ngầm của Hoa Kỳ và Nga.

Chiến tranh Syria cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ phải đón khoảng 3 triệu người Syria tị nạn, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải giải quyết những cuộc xung đột nội bộ. Nhà nước Hồi giáo IS và người Kurd đang tiến hành các chiến dịch khủng bố riêng biệt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng gần đây của người Kurd ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các thành phố có đa số người Kurd rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cả người Syria, và nửa triệu người Kurd cũng phải tản cư.

Chính quyền Erdogan cũng không có mối quan hệ tốt với các nước châu Âu như Hà Lan và Đức khi các nước này không cho phép những người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trên đất nước họ tham gia cuộc trưng cầu dân ý tại cố hương.

Theo ông Yakis, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết tình trạng ngoại giao thất bại này có lẽ đã chấm dứt bất kỳ hy vọng còn lại nào của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Người đàn ông 78 tuổi này bộc bạch: “Tôi nhớ từ rất nhiều thập kỷ qua Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng bị cô lập đến mức như này. Tôi nhớ chưa có giai đoạn nào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ lại chia rẽ như hiện nay.”

Đối với ông Erdogan, câu trả lời cho tất cả những thách thức này là việc tăng thêm quyền lực của ông ta.

Theo ông Yakis, bất kể kết quả trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật ra sao, có thể chưa có nhiều thay đổi ngay lập tức. Nếu “Thắng”, đơn giản là Tổng thống Erdogan sẽ có được tính hợp pháp trong hiện trạng điều hành hiện nay. Ngược lại, ông vẫn sẽ hành động như những gì ông đang làm mà thôi.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, một lá phiếu “có” sẽ đẩy nhanh tiến trình hướng tới độc tài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Yakis nói: “Có một quy luật chung trong khoa học xã hội: Sức mạnh quyền lực càng cao, tham nhũng sẽ càng nhiều”.

Tân Bình

Xem thêm: