Một bài phân tích gần đây trên SCMP đã chỉ ra những dấu hiệu rạn nứt giữa Trung Quốc và Nga, hai quốc gia thường miêu tả quan hệ của họ là “đối tác chiến lược toàn diện,” “đặc biệt” và “chưa từng thấy.” Trong khi đó, Ấn Độ đang tìm cách lôi kéo Nga gia nhập liên minh chống Trung Quốc.  

Embed from Getty Images

 Trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona, tất cả mọi người đều thấy rõ “điều đặc biệt” của mối quan hệ này. Vào tháng Hai, Moscow đã gửi thiết bị y tế tới Vũ Hán, tâm chấn của dịch bùng phát khi đó, và khi virus lên đỉnh điểm ở Nga, Trung Quốc đã báo đáp bằng cách gửi cho người láng giềng hàng triệu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác. 

Các lãnh đạo của hai nước xem ra cũng rất gần gũi, đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc và Nga cùng nhau “phản đối chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương” khi căng thẳng với Mỹ gia tăng, trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quan hệ của hai nước đã đạt tới mức độ “chưa từng thấy.”

Tuy vậy, trong những tháng gần đây, dù hai nước có cố gắng nhằm che đậy bất đồng, những vết rạn nứt đã xuất hiện. Sự bất hoà nảy sinh ở khác biệt lịch sử đối với vấn đề Vladivostok; việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ; và sự chậm trễ trong việc chuyển giao tên lửa của Nga cho Bắc Kinh.

Nhưng có lẽ vấn đề dễ gây bùng nổ nhất là gợi ý cho rằng Washington muốn liên minh với đối thủ cũ trong Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại Trung Quốc.

Tháng trước, khi được hỏi về khả năng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trả lời rằng ông nghĩ “có cơ hội cho điều đó xảy ra.” 

Vấn đề Vladivostok 

Tháng trước, những bất hoà về vấn đề Vladivostok bùng nổ khi Đại sứ quán Nga phát một đoạn băng về lễ kỷ niệm 160 năm thiết lập thành phố, gây ra những phản ứng dữ dội trên mạng ở Trung Quốc.

Tình cảm của người Trung Quốc đối với Vladivostok, nơi từng thuộc về Trung Quốc còn rất cao. Lãnh thổ ngày nay của vùng Primorsky Krai mà Vladivostok là thủ phủ hành chính, từng thuộc vùng Mãn Châu của nhà Thanh trước khi bị Sa Hoàng sát nhập năm 1860 sau thất bại của Trung Quốc trước Anh và Pháp trong chiến tranh nha phiến lần thứ hai. 

Nhiều người Trung Quốc chỉ trích blog của sứ quán đã khơi dậy nỗi đau về những ô nhục lịch sử của đất nước họ dưới bàn tay của các thế lực nước ngoài.

Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn đi xa hơn khi từ chối gọi thành phố là “tongzhi dongfang” với nghĩa là hoặc “kẻ cai trị phương Đông” trong tiếng Nga, thay vào đó gọi nó bằng tên Trung Quốc cổ là Hải Sâm Uy. 

Một số người phản đối ầm ĩ hơn, đề xuất Trung Quốc nên đáp trả blog của sứ quán bằng cách cân nhắc lại lập trường của họ đối với vấn đề Crimea.

Năm 2014, Nga đã chiếm Crimea bằng vũ lực từ Ukraine, một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án. Trung Quốc tới nay lựa chọn lập trường trung lập đối với vấn đề này.

Sự phản đối kịch liệt với bài đăng của sứ quán là một tín hiệu thực sự đầu tiên cho thấy cuộc tranh chấp lãnh thổ chưa bị xoá mờ, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy “chủ nghĩa Đại Hán đang trở thành một vấn đề trong mối quan hệ này,” theo biên tập viên Diễn đàn Châu Á Gilbert Rozman.

“Một Trung Quốc quá tự tin trong năm 2020 đang không kiềm chế được tham vọng muốn giải quyết các vấn đề mâu thuẫn mà lãnh đạo của họ nuôi dưỡng. Sự tôn trọng đối với Nga từ 1992 có thể không phải là một nguyên tắc bất biến,” ông Rozman viết trong một bài báo nhan đề ‘Đa cực trái ngược vs. Chủ nghĩa Đại hán: Thế giới quan và Quan hệ Trung Nga.’

Nói thêm trong bài báo của mình, ông Rozman nói sự tự tin của Trung Quốc đến từ cảm giác họ đang tiến rất nhanh trong khi kẻ thù của họ thì ngược lại – một cảm giác được củng cố bởi đại dịch virus corona.

Ông nói, “Sự tự tin như vậy được xây dựng trong nhiều năm và năm 2020 nó được đẩy nhanh lên”.

Trước việc Trung Quốc vẫn tỏ ra tôn trọng đối với Nga, ông Rozman nói đây là một quyết định chiến lược của Bắc Kinh để có Nga đứng bên trong cuộc chiến chống Mỹ.

 

Bán vũ khí cho Ấn Độ

Moscow cũng hứng chịu sự giận dữ từ dư luận Trung Quốc khi nước này đẩy mạnh bán vũ khí cho New Delhi ngay sau vụ đụng độ chết người giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới tranh chấp ở vùng núi Himalayas. 

Một tháng sau cuộc đụng độ, New Delhi nhanh chóng thông qua một hợp đồng mua máy bay chiến đấu mới của Nga và nâng cấp đội bay hiện có.

Như một người dùng internet Trung Quốc bình luận: “Trong trận chiến, bạn nghĩ sao nếu đồng minh của bạn trao một con dao cho đối thủ?”

Tuy nhiên, ông Dmitry Stefanovich, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Học viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chỉ ra rằng Nga đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ rất lâu trước cuộc đụng độ ở Himalayas.

Hầu hết vũ khí chiến lược của Ấn Độ, từ tàu sân bay đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đều được nhập khẩu từ Nga. 

“Rõ ràng là ngành công nghiệp quốc phòng Nga muốn duy trì thị trường Ấn Độ, nơi đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi các đối thủ như Pháp và Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận,” ông Stefanovich nói.

Trên thực tế, việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ đã liên tục đi xuống từ thời điểm đỉnh cao vào năm 2005, khi doanh số bán đạt tới 3,2 tỷ đôla. 

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận thấy rằng những vấn đề quốc phòng đã tạo ra các vết nứt trong quan hệ Nga – Trung. 

Alexey Mulravierv, phó giáo sư nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Curtin của Úc, nói Nga không hài lòng về việc Trung Quốc hợp tác với Ukraine cả về quân sự và kinh doanh.

“Người Trung Quốc cũng tham gia vào công nghệ quân sự của Nga và sau đó tìm cách bán các nền tảng nội địa dựa trên thiết kế của Nga, vì thế cạnh tranh với Nga trên thị trường bán vũ khí toàn cầu,” ông Muraviev bổ sung.

Ông Tiwary nói Nga coi việc bán vũ khí cho Ấn Độ là một phương cách cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

 > “Gót chân A-sin” của ĐCSTQ ngày nay ở đâu?

Các quả tên lửa mất tích 

Một vết nứt khác trong quan hệ hai bên liên quan tới giao dịch cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.

S-400 được coi là loại tối tân nhất tại Nga, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong tầm 400km và độ cao 30km. 

Tháng trước, các trang web Trung Quốc NetEase và Sohu báo cáo về việc chuyển giao bị “chậm trễ” vì virus corona, nhưng Moscow sau đó cho biết việc chuyển giao đã bị “đình chỉ”. 

Theo hãng tin TASS của Nga, Trung Quốc đã nhận lô S-400 đầu tiên vào năm 2018 nhưng việc giao hàng lại bị đình chỉ khi Moscow buộc tội Valery Mitko, chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Bắc Cực thành phố St. Petersburg làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Động thái này đã làm nhiều người Trung Quốc nổi giận, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đồng ý với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đẩy nhanh tiến độ sản xuất và chuyển giao năm hệ thống S-400 mà Ấn Độ mua năm 2018. (hệ thống đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng Mười).

Nhiều người Trung Quốc nói điều này chứng minh Nga đã đặt lợi ích của Ấn Độ lên trước lợi ích của Trung Quốc, nước đã đặt hàng từ năm 2014.

“Chẳng phải trường hợp này đã rõ ràng người Nga không đáng tin cậy sao? Trung Quốc phải thức tỉnh!” một người dùng internet Trung Quốc viết.

Miêu tả việc đình chỉ S-400 như “một diễn biến đầy mưu mô”, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức hợp tác Rand, một cơ quan nghiên cứu của Washington, nói việc đình chỉ này đã đi ngược với cách nói là quan hệ an ninh Trung – Nga đã tăng cường trong những năm gần đây.

Ông cũng hoài nghi trước những tuyên bố của truyền thông Trung Quốc cho rằng vấn đề là do virus corona, nói rằng nó xảy ra chưa đầy hai tuần sau vụ đụng độ chết người ở dãy Himalayas ngày 15/6.

“Điều này cho thấy mạnh mẽ rằng quyết định của Moscow là nhằm đáp trả sự cố Himalayas,” ông Grossman nói. 

Ông lưu ý rằng suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là đồng minh thân thiết với Ấn Độ, và quan hệ này còn nồng ấm tới nay. 

“Tôi ngờ rằng quyết định về S-400 phần lớn là kết quả của việc Nga quyết định trừng phạt Trung Quốc vì những hành động chống Ấn Độ của họ, và để thể hiện cho New Delhi thấy là Moscow còn có thể được tin tưởng trong việc hỗ trợ những lợi ích của họ,” ông Grossman nói.

 > Mỹ tăng tốc bán vũ khí cho các quốc gia ở Ấn Độ – Thái Bình Dương

Đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương 

Có lẽ vấn đề gây chia rẽ nhất là tuyên bố gần đây trên truyền thông Ấn Độ rằng New Delhi muốn Moscow tham dự vào Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, một nhóm chiến lược được nhiều người xem như một kế hoạch chống Trung Quốc.

Vấn đề được cho là đã được thảo luận trong một cuộc điện đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Đại sứ Ấn Độ tại Nga, D.Bala Venkatesh Varma.

Theo đó, Ấn Độ đã nói với Nga rằng giống như việc họ ủng hộ dự án vùng Âu Á mở rộng của Moscow – trong đó chính sách đối ngoại của Nga dự kiến sẽ quay về hướng Đông và gắn kết nhiều hơn với châu Á – vì thế Nga nên ủng hộ nhóm Ấn Độ – Thái Bình Dương, và không nên coi ý tưởng chỉ là một chiến lược của Washington để chia rẽ khu vực.

Một vài nhà bình luận Trung Quốc cho rằng ý tưởng nêu trên là “một sự phản bội đối với Trung Quốc”. Một số người còn nói rằng ý tưởng này có sức công phá như việc đề nghị Nga gia nhập NATO vậy.

Nhưng trong khi một số nhà phê bình chất vấn liệu Mỹ có đồng ý cho Nga làm thành viên không, những người khác cho rằng nếu xác định được động cơ thích hợp thì Moscow có thể sẽ bị thuyết phục. 

Ông Tiwary nói ý tưởng trên phù hợp mạnh mẽ với quan hệ đối tác Ấn Độ – Nga trong những thập kỷ gần đây và sẽ củng cố thêm cho mối quan hệ.

“Đối với Nga, sáng kiến mang lại một cơ hội chống lại sự lãnh đạo của Mỹ trong bất cứ một cấu trúc quyền lực mới nổi nào ở khu vực bằng cách là một phần của nó,” ông Tiwary nói.

Tuy nhiên, ông Stefanovich nói Nga có thể không tham gia, vì tai tiếng chống Trung Quốc của nhóm này. “Nga tin vào sự toàn diện của những tổ chức khu vực và những cách thức hợp tác,” ông Stefanovic nói.

Victor Gao, Chủ tịch Đại học Soochow và phó Chủ tịch trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá, một Viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, đã đồng ý với quan điểm của ông Stefanovic. Ông Gao nói “không thể tưởng tượng được” là Nga sẽ hạ mình làm một chư hầu của Mỹ.

Theo SCMP

Xuân Lan biên tập