Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm thứ Bảy (5/8) đã thống nhất áp đặt nghị quyết mới lên Bắc Triều Tiên. Theo đó, các biện pháp trừng phạt này sẽ có thể cắt giảm 1/3 doanh thu xuất khẩu của chế độ Bình Nhưỡng hiện đang có giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm.

Nghị quyết trừng phạt mới do Hoa Kỳ soạn thảo cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Các biện pháp trừng phạt này cũng cấm các quốc gia tăng việc sử dụng lao động Bắc Triều Tiên, cấm các liên doanh mới với các thực thể Bình Nhưỡng và bất kỳ khoản đầu tư mới nào trong các liên doanh hiện tại.

Người dân Hàn Quốc tại một nhà ga xe lửa ở Thủ đô Seoul hôm 29/7 đang xem các hình ảnh chiếu về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bắc Triều Tiên.

Nghị quyết mới của LHQ cũng bổ sung thêm 9 cá nhân và 4 tổ chức vào danh sách đen của LHQ, đóng băng tài sản toàn cầu của các cá nhân và tập thể này, cũng như cấm họ di trú, trong đó có ngân hàng ngoại hối chính của Bắc Triều Tiên.

Một nhà ngoại giao LHQ trao đổi với Reuters rằng Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ kiếm được khoảng 251 triệu USD từ sắt và quặng sắt, 113 triệu USD từ chì và quặng chì và 295 USD từ hải sản trong năm 2017. Nhà ngoại giao này nói rằng rất khó để ước tính số tiền mà Bắc Triều Tiên kiếm được từ việc đưa lao động ra nước ngoài.

Một nhà điều tra nhân quyền LHQ cho hay trong năm 2015 Bắc Hàn đã đưa khoảng hơn 50.000 người ra nước ngoài làm việc, chủ yếu sang Nga và Trung Quốc, đem lại cho ngân sách chính quyền Kim Jong-un khoảng từ 1,2 tỷ USD đến 2,3 tỷ USD mỗi năm.

Phát biểu với Hội đồng Bảo an, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley nói: “Chúng ta không nên đánh lừa suy nghĩ rằng chúng ta đã giải quyết vấn đề. Mối đe dọa của Bắc Triều Tiên đã không rời xa chúng ta, nó đang phát triển nhanh chóng nguy hiểm hơn”.

Cần có thêm hành động. Hoa Kỳ đang và sẽ tiếp tục có các biện pháp tự vệ thận trọng để bảo vệ chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi”, Bà Haley nhấn mạnh như vậy và nói thêm rằng Washington sẽ tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc.

Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc

Cũng giống như các nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn trước đây, Hoa Kỳ đã phải mất khoảng 1 tháng để đàm phán với Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng mới nhất này. Sau khi đạt được sự đồng thuật với Bắc Kinh, Washington mới đưa nghị quyết mới ra Hội đồng Bảo an thảo luận từ hôm thứ Sáu (4/8).

>>Donald Trump: Rất thất vọng với Trung Quốc

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã thất vọng vì Trung Quốc không làm được gì nhiều hơn để kiềm chế Bắc Triều Tiên. Washington đã đe dọa gây áp lực thương mại đối với Bắc Kinh và áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc đang kinh doanh với Bình Nhưỡng.

Bà Haley nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán khó khăn trong tuần này. Tôi nghĩ rằng phía Trung Quốc đã nhận thức được rằng Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh [sức ép], và họ đã phản hồi. Chúng tôi đánh giá cao cách họ hợp tác với chúng tôi trong suốt cuộc đàm phán này”.

Khi được hỏi về áp lực của Hoa Kỳ đóng vai trò gì trong các cuộc đàm phán về nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) đã nói rằng Trung Quốc đã nhất quán về mục tiêu của mình để đạt được phi hạt nhân hoá, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và cố gắng “khởi động lại các cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu cuối cùng này“.

Ông Lưu nói thêm với các phóng viên rằng: “Chúng tôi phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào bên ngoài khuôn khổ đã được thống nhất bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Nga – Mỹ bỏ qua bất đồng, hợp tác vấn đề Bắc Hàn

Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia nói ông hy vọng những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson là “chân thành – rằng Hoa Kỳ không tìm cách lật đổ chế độ hiện tại (Bắc Triều Tiên) hoặc cưỡng bức thống nhất bán đảo hay can thiệp quân sự vào nước này“.

Không rõ quan hệ đang tụt dốc giữa Nga và Mỹ có làm cản trở các cuộc đàm phán về các biện pháp trừng phạt mới lên Bắc Hàn hay không. Nhưng cuối cùng Nga cũng đã đồng ý với dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn và đã có đàm phán với Trung Quốc trước.

Ông Nebenzia nói với Reuters rằng: “Chúng tôi không phải là những ‘con tin’ đối với mối quan hệ giữa hai nước khi chúng tôi phải làm việc cùng nhau về các vấn đề quan trọng hơn rất nhiều so với mối quan hệ song phương đang ở mức thấp của chúng tôi”.

Xuân Thành

Xem thêm: