Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra thông điệp kêu gọi các chính phủ thúc đẩy tự do báo chí và người dân thế giới đứng lên vì “quyền được biết sự thật của chúng ta”.

Ông Antonio Guterres ca ngợi các nhà báo và nhân viên ngành truyền thông đã “soi ánh sáng vào các thách thức địa phương và toàn cầu và kể các câu chuyện cần được kể”.

“Sự phục vụ của họ đối với quần chúng là vô giá”, ông Guterres nói.

press freedom
Tự do báo chí, một cột trụ quan trọng của nền dân chủ (Ảnh minh họa)

Pháp luật bảo vệ nền báo chí độc lập, tự do biểu đạt và quyền được biết thông tin phải được áp dụng, thiết lập và thi hành. Các tội ác chống lại nhà báo phải bị truy tố”, ông nhấn mạnh, kêu gọi các chính phủ tăng cường tự do báo chí và bảo vệ nhà báo trong các công việc quan trọng mà họ đang cống hiến.

“Thúc đẩy một nền báo chí tự do là đứng lên bảo vệ quyền được biết sự thật của chúng ta”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Quyền tự do biểu đạt là quyền cơ bản của con người, được liệt kê trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền:

Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.(Điều 19)

Tuy nhiên, theo LHQ, để hiện thức hóa quyền tự do biểu đạt, cần phải có:

  • một môi trường pháp lý cho phép truyền thông đa nguyên sinh sôi phát triển;
  • một ý chí chính trị ủng hộ ngành truyền thông đa nguyên và chế độ pháp quyền bảo vệ nó;
  • pháp luật đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin từ các nguồn công khai; và
  • kỹ năng đọc hiểu truyền thông cơ bản đối với những người mới tiếp nhận tin tức để có thể phân tích phản biện và tổng hợp thông tin để sử dụng trong đời sống hằng ngày, đồng thời yêu cầu các hãng truyền thông chịu trách nhiệm cho hành động của họ.

Các yếu tố này, cùng với việc các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nỗ lực đạt tới tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp cao nhất, là hạ tầng cơ sở để quyền tự do biểu đạt có thể tồn tại, LHQ lưu ý.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến những thử thách và hiểm nguy rình rập những ngòi bút bảo vệ sự thật trên thế giới.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới báo cáo từ đầu năm tới nay có 23 phóng viên bị thiệt mạng và 176 nhà báo bị bỏ tù trên thế giới.

Theo báo cáo mới đây của LHQ về Xu hướng Thế giới về Sự phát triển của Truyền thông và Tự do biểu đạt, chỉ có khoảng 10% trong số 930 vụ giết hại ký giả trong giai đoạn 2006-2016 là được xử lý chính thức. Trong năm ngoái, 79 nhà báo trên thế giới đã bị ám sát trong khi làm nhiệm vụ.

Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cũng nhân ngày này cam kết rằng cơ quan của bà “cam kết bảo vệ sự an toàn của các nhà báo và đấu tranh chống lại sự miễn trừ đối với các tội ác chống lại họ”.

“Ý tưởng về một Nhà nước bên dưới pháp quyền phải có các công dân được trang bị đầy đủ thông tin, các quyền định chính trị minh bạch, hoạt động tranh biện công khai về các chủ đề về quyền lợi chung, và các quan điểm đa nguyên để hình thành các ý kiến và phá bỏ chủ nghĩa giáo điều và truyền bá sự thật quan quyền”, bà Auzolay nói.  

Từ năm 1993, Liên hiệp quốc ấn định ngày 3/5 là Ngày Tự do Báo chí Thế giới để khuyến khích sự phát triển của nền báo chí tự do hơn, đồng thời để đánh động công luận về việc kiểm duyệt, xử phạt, đình chỉ hay đóng cửa các cơ quan truyền thông hoặc sách nhiễu, tấn công, giam giữ và sát hại giới ký giả.

Đức Trí 

Xem thêm: