290 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đang ở trong hoàn cảnh bấp bênh do ảnh hưởng nghiêm trọng của virus corona và thương chiến Mỹ – Trung. 

shutterstock 1523170304
(Ảnh: Shutterstock)

Theo SCMP, làn sóng thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thách thức của chính quyền ông Tập Cận Bình. Rất nhiều trong số 290 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống sau khi các nhà máy họ làm việc phải đóng cửa do không có đơn hàng.

Tờ báo dẫn câu chuyện của bà Rao Dequn, một công nhân nhập cư có thâm niên 25 năm trong nghề sắp rơi vào tình trạng thất nghiệp như một hình ảnh tiêu biểu của những tác động tiêu cực từ đại dịch và thương chiến tới công ăn việc làm của người dân trong nước.

Cuối tháng 7 vừa qua, bà Rao, 43 tuổi, có 2 con, cùng khoảng 900 đồng nghiệp đã được thông báo rằng Công ty giày Dongguan Dingyi sẽ đóng cửa trong 5 tuần tới và tất cả hợp đồng của người lao động với công ty sẽ chấm dứt. Bà là người đã làm việc cho nhà máy giày này trong 10 năm qua, và đã giành gần như cuộc đời mình gắn liền với các công xưởng ở khu sản xuất hàng xuất khẩu Đông Quan.

“Sẽ rất khó để tìm được một nhà máy ổn định khác để làm việc bởi vì nhiều nhà máy gần đó cũng đang đóng cửa hoặc sa thải công nhân,” bà Rao cho biết.

Bà Rao và chồng sống trong một căn phòng hơn 9m2 không có phòng tắm riêng, tiền thuê hàng tháng là 250 NDT (40 USD). Có rất ít đồ trang trí và nội thất, ngoại trừ một chiếc giường tầng, một nồi cơm điện, một máy nước nóng và một quạt điện. Một chiếc bàn gấp nhỏ cũng được dùng làm bàn ăn, vài cái ghế nhựa và một TV màn hình phẳng treo trên tường.

Vợ chồng bà có ba đôi giày thể thao và một đôi giày nữ trên một một kệ nhỏ ở cửa – một con số khiêm tốn của một công nhân đã làm việc trong nhà máy giày hơn một phần tư thế kỷ.

Chồng bà, ông Liu Liang, cũng là một công nhân nhập cư nhưng những tháng qua cũng khó kiếm việc làm. Hai vợ chồng cho biết có thể phải rời Đông Quan bởi vì công việc hiện giờ “rất không ổn định.”

114 người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM, phần lớn có quốc tịch Trung Quốc

Khu phức hợp Dingyi, một trong số hàng nghìn nhà máy ở Đông Quan đã góp phần khiến Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”, hiện phần lớn chìm trong yên lặng. 

Trung Quốc hiên không chỉ đang mất đi lợi thế chi phí thấp, mà virus corona còn khiến cho các đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ. Thời hoàng kim cho mô hình kinh doanh từng thành công này dường như đã chấm dứt.

Chính phủ Trung Quốc đã từng hy vọng rằng việc loại bỏ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động giống như Dingyi và thay thế bằng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn sẽ giúp đất nước đạt được nhiều lợi ích hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng ngày càng có nhiều người tỏ ra quan ngại khi cho rằng Trung Quốc có thể đã đánh giá thấp tầm quan trọng của các nhà máy giống như Dingyi trong việc cung cấp việc làm và ổn định xã hội. 

Viễn cảnh ngày một xấu đi của thu nhập và việc làm đối với những người giống như bà Rao, người đã cống hiến sức lao động của mình cho bộ máy sản xuất của Trung Quốc kể từ bà còn là một thanh niên, cũng có thể cản trở chiến lược “phát triển kép” của Bắc Kinh với sự tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa để tăng trưởng kinh tế.

Ông Zhao Jian, người đứng đầu của Viện nghiên cứu tài chính Atlantis, cho biết việc lựa chọn “phát triển kép” của Trung Quốc là nhằm đối phó với xu hướng đảo ngược quá trình toàn cầu hóa, dẫn đầu bởi sự phân tách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng việc thành công của một chiến lược hướng nội như vậy vẫn còn là một dấu hỏi, nhất là liên quan đến việc làm và thậm chí là an ninh kinh tế.

Ông cho rằng mặc dù trên bề mặt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu bên ngoài đang giảm dần trong một thập kỷ qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng lĩnh vực xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm cho người Trung Quốc.

“Các nhà xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ sống dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

The Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành xuất khẩu tạo ra khoảng 180 triệu việc làm ở Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 trong tổng số 530 triệu việc làm phi nông nghiệp ở nước này.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trong Quý II nhờ các khoản đầu tư của nhà nước và sự phục hồi của sản xuất công nghiệp sau mức giảm lịch sử 6,8% trong Quý đầu tiên của năm 2020.

Dữ liệu việc làm chính thức cũng vẽ nên một bức tranh khá ổn định với mức thất nghiệp được khảo sát giảm xuống 5,7% vào cuối tháng 6 từ mức 5,9% trong tháng 5.

Tuy nhiên, đội quân lao động nhập cư của Trung Quốc, những người chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và virus corona, đã không được gộp vào trong số liệu thống kê nói trên.

Việc đóng cửa của các nhà máy giống như Dingyi đã ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương như các nhà hàng, khách sạn nhỏ và nhiều cửa hàng vốn dựa vào các công nhân để kiếm thu nhập, SCMP nhận định . Ngoài ra, nó cũng là cú sốc tâm lý đối với các ngành sản xuất khác ở khu vực Đông Quan, vốn cũng đang ở trong tình huống bấp bênh tương tự.

“Nhiều người trong chúng tôi trong ngành sản xuất giày dép đều quen thuộc với nhà máy này. Họ đã hoạt động trong 30 năm qua và đã sống sót qua nhiều cơn bão lớn như khủng hoảng tài chính, thiếu hụt lao động, các vấn đề về vốn khác. Có giông tố nào mà họ chưa trải qua? Họ sẽ không đóng cửa trừ khi họ không nhìn thấy được tương lai”, ông Wang Jie, người điều hành một doanh nghiệp sản xuất giày dép ở Đông Quan, cho biết.

Sa thải và suy giảm việc làm đang lan rộng tại Đông Quan đến nỗi chính quyền địa phương đã bắt đầu thực hiện một “chương trình chia sẻ công nhân,” trong đó chính quyền đóng vai trò như một cơ quan trung gian để chuyển công nhân dư thừa từ các công ty nhàn rỗi sang các công ty đang cần sự giúp đỡ tạm thời.

13.000 công nhân đã tham gia chương trình này kể từ tháng 3. Các công nhân được chính quyền địa phương trả 500 nhân dân tệ (72 USD) một tháng khi tham gia, trong khi các xí nghiệp tránh được việc dư thừa công nhân chính thức bằng cách chuyển các công nhân này sang các nhà máy khác theo hợp đồng lên đến ba tháng.

“Rất ít nhà máy mở rộng sản xuất … hầu hết các xí nghiệp đều thiếu đơn hàng. Nhưng chi phí để đóng cửa một nhà máy cũng rất lớn … do đó nhiều nhà máy chỉ tạm thời ngừng hoạt động,” giám đốc nhân sự của một nhà máy tại Đông Quan cho biết. Ông đã gọi chương trình chia sẻ công nhân là “biện pháp khắc phục trong ngắn hạn tốt nhất”.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: