Lãnh đạo tối cao Cộng Hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm thứ Bảy (11/8) đã lên tiếng kêu gọi thành lập các tòa án mới để có thể hành động pháp lý “nhanh chóng và công bằng” sau khi người đứng đầu ngành tư pháp nước này cho biết đất nước đang đối mặt với “chiến tranh kinh tế”, Reuters dẫn tin từ truyền hình nhà nước Iran.

Khamenei
Lãnh đạo tối cao Cộng Hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh qua Saharab Daily)

Đồng tiền Rial của Iran đã rớt khoảng một nửa giá trị kể từ tháng Tư dưới sự đe dọa phục hồi các chế tài của Mỹ và thường dân Iran có nhu cầu mạnh về đồng USD để cố gắng bảo vệ giá trị khoản tiền tiết kiệm của họ.

Chi phí sinh hoạt tăng vọt gây ra các cuộc biểu tình khắp cả nước chống lại vấn nạn trục lợi và tham nhũng của giới chức chính quyền, nhiều người biểu tình hô vang khẩu hiệu chống chính phủ.

Ngân hàng Trung Ương và Bộ Tư pháp đã đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” đã khiến đồng Rial rớt giá và giá đồng xu vàng tăng cao. Bộ Tư pháp cho biết có hơn 40 người, trong đó bao gồm cả một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương mới đây đã bị bắt và kết án tử hình.

Bộ Tư pháp cho rằng chính những kẻ thù của Iran như Mỹ, Israel, cũng như kình địch Ả rập Saudi và các phần tử đối lập sống lưu vong đang khuấy động tình trạng bất ổn này.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Sadeq Amoli Larijani mới đây đã gửi thư cho lãnh đạo tối cao Khamenei nói rằng: “các điều kiện kinh tế đặc biệt hiện tại là một cuộc chiến tranh kinh tế”. Ông Larijani kêu gọi thành lập các tòa án đặc biệt để xử lý nhanh chóng tội phạm tài chính.

Truyền hình Iran cho biết ông Khamenei đã đồng ý đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp, nói: “Mục đích của các tòa án này nên trừng phạt những người có hành vi kinh tế tham nhũng một cách nhanh chóng và công bằng. Các tòa án nên được tư vấn để đảm bảo các phán quyết của họ chính xác”.

Trong lá thư gửi lãnh đạo tối cao, ông Larijani đề xuất rằng những tòa án cách mạng hồi giáo mới sẽ được thiết lập trong hai năm và được quyền áp đặt các bản án tối đa cho những tội danh “phá hoại và làm hủ bại nền kinh tế”, đồng thời quyền kháng cáo sẽ bị hạn chế.

Được biết, vào tháng Năm, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa chế độ Tehran và các cường quốc hàng đầu thế giới gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nga và Liên minh Châu Âu. Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ” đem lại hàng tỷ USD cho Iran và không ngăn chặn được nước này phát triển hạt nhân, tên lửa, cũng như tăng cường gây ảnh hưởng xấu tại Trung Đông.

Tuần này, chính phủ Trump đã tái áp đặt chế tài lên Iran, trong đó có việc cấm Tehran mua USD, giao dịch vàng, kim loại quý, cũng như các mặt hàng như thép, than đá và phần mềm liên quan đến ngành công nghiệp.

Mỹ cũng đã thông báo với các nước khác rằng họ phải ngừng nhập khẩu dầu của Iran từ đầu tháng Mười Một nếu không sẽ bị Mỹ trừng phạt tài chính.

Yên Sơn

Xem thêm: